Ngọ Môn bình yên được phối vẽ theo phong cách anime
Beautiful Vietnam
Sinh năm 1989, với Nguyễn Quang Thịnh, nghề vẽ phối cảnh anime không phải là ngành học của anh. Nhưng với chàng trai quê Nghệ An, thời gian một năm đi làm cho công ty phần mềm đã giúp anh nhận ra niềm đam mê thực sự của đời mình.
Xác định tình yêu ấy là anime, thể loại tranh hoạt hình được cả thế giới công nhận là một trong những nét văn hóa rất đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Quang Thịnh quyết định nghỉ việc và gắn bó với phong cách tranh này đã 9 năm. Những nỗ lực và niềm đam mê ấy được ghi nhận xứng đáng khi nét vẽ của anh đã góp mặt vào những dự án anime đình đám, như Attack on Titan, Dr. Stone, Baki, Jojo, Conan…
Thịnh đã vẽ khá nhiều cảnh đẹp của Nhật Bản. Những lúc ấy, anh chợt nhận ra rằng chẳng riêng Nhật Bản, phong cảnh của quê hương Việt Nam cũng rất đẹp và phù hợp để làm bối cảnh trong anime. “Khi đó, ý tưởng thực hiện bộ tranh Beautiful Vietnam của mình hình thành. Để thực hiện được ý tưởng này, mình quyết định đi xuyên Việt để ngắm tận mắt, “sờ” tận tay những cảnh đẹp ấy”, Thịnh nói.
Hành trình của chàng họa sĩ trẻ xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, trải qua nhiều ngày, anh đã ghé thăm Đà Lạt, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quy Nhơn… để khơi gợi cảm hứng, mang tình yêu vào những bối cảnh, bức vẽ mà mình tâm đắc.
Tranh phong cảnh anime với màu sắc thanh bình, chân thực
Từ đó, những góc cảnh đẹp, thanh bình của quảng trường Lâm Viên (TP. Đà Lạt), tháp Nghinh Phong (Phú Yên), nhà thờ gỗ Kon Tum (Kon Tum)… đã được Nguyễn Quang Thịnh đưa vào tranh anime. Anh chia sẻ: “Việc tái hiện phong cảnh Việt Nam và Nhật Bản vào tranh theo phong cách anime không quá khác nhau dù mỗi họa sĩ sẽ có phương pháp vẽ riêng. Ngoài các địa điểm trên, trong chuyến đi đầy cảm hứng này, phong cảnh, nét trầm mặc, những công trình kiến trúc độc đáo của Cố đô đã thu hút và níu chân mình”.
Ngọ Môn lung linh
Dành nhiều thời gian cho chuyến hành trình đến Huế, đối với Quang Thịnh, việc được đến tận nơi tiếp cận, trải nghiệm và nhìn ngắm cảnh vật thực của Cố đô không chỉ tạo thêm cảm hứng và tưởng tượng rõ hơn về khung cảnh mà còn góp phần giúp anh có nhiều góc nhìn khác nhau. “Từ đó, mình hình thành nên ý tưởng về bức tranh một cách chân thực cũng như phản ánh rõ nét nhất những đặc điểm, đặc trưng nổi trội, vốn có của cảnh vật nơi đây”, anh cho biết.
Lựa chọn hình ảnh cổng Ngọ Môn (Đại Nội Huế) lên hình vẽ anime không chỉ vì đây là công trình đặc trưng có quy mô lớn. Với Quang Thịnh, việc được chiêm ngưỡng công trình này ở nhiều góc độ khác nhau còn giúp anh có thêm ý tưởng để vẽ bổ trợ cho cảnh vật xung quanh. Từ đó giúp cổng Ngọ Môn lên khung hình được nổi bật hơn nhưng vẫn đảm bảo những quy tắc về bố cục tổng quan, tỷ lệ vàng, tạo bóng.
Công phu, tỉ mỉ từng chi tiết cộng với tính chất công việc cần sự chính xác về kiến trúc nên với bức tranh này, anh đã rất ưu tiên cho phần dựng hình. Tốn nhiều ngày liền, một Ngọ Môn cổ kính, vững chãi với vẻ đẹp lung linh, huyền ảo đã ra đời. Cũng như tâm tư, tình cảm và cảm nhận của anh về Cố đô, gam màu trong tranh rất bình yên với sắc xanh trong vắt của bầu trời, những đám mây bềnh bồng. Điểm xuyến cho những nét vẽ chân thực và thu hút ấy là chiếc cầu vồng nhẹ nhàng nhưng vẫn vô cùng mới lạ, tạo sự lôi cuốn cho người xem như được ngắm một phần của Cố đô Huế ngoài đời thực.
Chia sẻ về những dự định tương lai, chàng họa sĩ trẻ cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện những bức tranh anime về cảnh quan của quê hương sớm nhất có thể. Tôi cũng mong muốn được làm một clip anime travel, một cuộc du hành khắp các tỉnh, thành Việt Nam bằng tranh vẽ anime. Tất nhiên, những cảnh vật đặc trưng, đặc sắc nhất của mỗi tỉnh, thành, trong đó có Huế sẽ xuất hiện trong sản phẩm này để mang một góc nhìn khác, mới mẻ hơn, độc đáo hơn đến với người thưởng lãm”.
Bài: MAI HUẾ – Ảnh: NVCC