Ngôi nhà vườn với hàng chè tàu dẫn lối vào nhà ở Phước Tích
Loại cây điển hình của Phước Tích
Dự kiến trong năm 2023, huyện Phong Điền trồng thêm 5.000 cây chè tàu, để tạo thành một hàng chè tàu dài 1,5km dọc tuyến đường chính của làng cổ Phước Tích. Như thế, trong thời gian đến, hàng chè tàu sẽ tạo thêm mảng xanh. Du khách đến với làng cổ được đi bộ trong một tuyến đường xanh mát, hai bên là hàng chè tàu đặc trưng của làng quê Việt Nam.
Ông Đoàn Quyết Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết, khi nói đến Phước Tích, là nói đến hình ảnh của những hàng chè tàu chạy dọc theo con đường làng; những hàng rào mềm xanh ngăn cách giữa các ngôi nhà. Hàng chè tàu là điểm nổi bật tạo nên nét thanh bình cho Phước Tích từ xưa đến nay.
Theo các tài liệu, chè tàu vốn dĩ có tên trà cọc rào, nhưng khi vào Huế vì chịu ảnh hưởng tiếng Chăm, nên “trà” được gọi là “chè”, còn “tàu” để chỉ nguồn gốc Trung Hoa của nó. Chè tàu mọc thành bụi độc lập, lá rậm rạp. Những hàng cây lá nhỏ đan vào nhau đem lại sự kín đáo cho ngôi nhà. Hàng chè tàu thể hiện nét độc đáo khi đặt trong tổng thể không gian thiên nhiên và văn hóa Huế.
Theo TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, những ngôi nhà ở Huế tuân theo thuật phong thủy như Phước Tích, lối đi vào nhà sẽ không trổ thẳng vào gian giữa của ngôi nhà chính. Lối đi ấy phải được ngăn lại bằng bình phong cao quá đầu người và rẽ qua hướng khác để vào nhà. Tấm bình phong này thường là hàng chè tàu được cắt xén cẩn thận với ý nghĩa che chắn chướng khí. Bức “bình phong xanh” ấy còn thể hiện tính kín đáo của người Huế…
Cùng tham gia trồng cây, hộ gia đình ông Lê Trọng Đào chia sẻ, việc mở rộng để trồng thêm những hàng chè tàu càng giúp Phước Tích thêm xanh và thêm đậm nét đặc trưng của mình. Người dân rất phấn khởi và sẽ cùng chăm sóc để cây phát triển tốt nhất.
Xây dựng điểm đến đặc trưng
Ngày nay, khi đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, những ngôi làng không bị ràng buộc bởi các điển chế thì hình ảnh hàng chè tàu cũng vắng bóng dần theo thời gian. Thay vào đó là những tường rào bằng bê tông hay kim loại.
Với Phước Tích, những hàng chè tàu bình dị mà thanh tao không chỉ được gìn giữ mà phát huy thêm, chắc chắn sẽ đem đến cho du khách cái nhìn thích thú, nhẹ nhàng. Yếu tố này sẽ giúp Phước Tích “ghi điểm” trong phát triển du lịch.
TS. Trần Đình Hằng cho rằng, những hàng chè tàu uốn lượn quanh làng, khắp ngõ như chứng nhân cho bao thăng trầm lịch sử, cho bao thay đổi của đời người. Hàng chè tàu ở Phước Tích cứ thế tồn tại với thời gian sẽ tiếp tục giúp truyền đi những thông điệp sâu sắc, ý nhị về cuộc sống, sự đối xử với thiên nhiên, với thời thế như chính vùng đất Phước Tích bao năm qua.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đình Bách, huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và Nhân dân trong thôn, trong xã chung sức, đồng lòng trồng mới các loại cây xanh. Bên cạnh đó, duy trì mô hình hàng rào cây xanh nhằm thay thế hàng rào cứng; tạo cảnh quan môi trường giữ cho không gian trong lành, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên; góp phần thực hiện hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
“Phong Điền đang hướng đến mục tiêu bảo tồn phát huy các giá trị vốn có của ngôi làng cổ Phước Tích. Qua đó, không ngừng bảo vệ và phát huy di sản của làng, làm cho cảnh quan làng cổ ngày càng “xanh – sạch – đẹp”. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Cố đô theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Đình Bách kỳ vọng.
Năm 2021, lãnh đạo tỉnh, huyện Phong Điền và người dân xã Phong Hòa đã trồng 2.000 cây mai vàng để gây dựng rừng mai vàng tại làng cổ Phước Tích. Với việc tăng cường trồng các loại cây đặc trưng gắn với làng quê, Phước Tích được định hướng là điểm đến đặc trưng, riêng có của Huế và miền Trung.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG