Những ngày này, cứ tang tảng sáng là cổng chợ quê tôi đã thơm lừng mùi thị chín. To có, nhỏ có, tròn có, méo có, những quả thị vàng ươm được xếp gọn gàng, lành hiền trong rổ, phả vào không khí sắc vàng tươi roi rói và mùi thơm mát lành của trời thu.
Quê tôi là vùng cát trắng khô cằn, quanh năm nghe tiếng ầm ào sóng vỗ. Bởi thế, ngay cả những đứa trẻ được sinh ra ở làng như tôi cũng chẳng hiểu tại sao trên vùng cát bỏng ấy, những mảng xanh của rau trái, hoa màu vẫn luôn luôn tươi tốt.
Khi còn là một cô nhóc, tôi luôn mặc định những cội cây cổ thụ ở làng tôi trước nay vẫn thế, vẫn xanh um và che mát cả vùng trời. Nhưng sau này, khi lớn lên, tôi mới biết đó là kết quả của 5, 10 năm, thậm chí là cả hàng chục năm ròng với bao công lao bón chăm, vun xới. Những cây thị già ở làng tôi cũng vậy, từ mầm non bé tí, rễ thị cắm sâu vào lòng cát bỏng, chắt chiu từng chút nước để lớn lên. Trải qua bao thăng trầm, bóng thị mỗi ngày một rộng, thân cây càng lúc càng xù xì. Rồi đến một ngày chúng trở thành cội thị với vòm tán ken đặc lá, lớp vỏ phếch xanh màu rêu đứng sừng sững giữa trời.
Mùa thị chín bắt đầu từ cuối hè, nhưng náo nức và rộn ràng nhất là những ngày này, khi không khí Trung thu rạo rực từ làng này sang làng khác. Ban đầu chỉ một vài quả phơn phớt vàng, sau khi hít no khí trời, quả thị chuyển sang màu vàng ươm rồi rụng lộp độp.
Với lũ nhóc ở làng chúng tôi, thị là loại quả gắn với nhiều kỷ niệm. Riêng gia đình tôi lúc ấy, khi những bữa cơm hằng ngày chỉ quanh quẩn rau và một ít cá, thì đồng quà, tấm bánh hay những quả thị láng bóng là thứ quà quê mà mạ tôi phải chắt bóp lắm mới mua được. Còn nhớ như in dạo nọ, khi làng tôi ngày nào cũng rộn ràng tiếng trống lân, một hôm, mạ tôi từ phiên chợ sáng trở về với nét vui hiện trên gương mặt đẫm mồ hôi. Trời nắng oi, trên tay bà là chiếc nón cời rách cũ. Nhìn vào nón, tôi thấy những chùm lá xanh to có, nhỏ có lộm cộm. Và he hé, lấp ló trong đám lá ấy, anh em tôi nhận ra những chấm xanh lơ, những khoảng vàng của mớ thị vừa chín tới.
Cười hớn hở, nhẹ nhàng nâng niu những quả thị trên tay, nỗi buồn không có mâm cỗ trung thu hay chiếc đèn ông sao giấy ni-lông xanh đỏ biến mất. Đối với chúng tôi lúc ấy, chiếc nón với những quả thị tươi rói, thơm lừng của mạ chính là món quà trung thu vô giá.
Mạ bày cho chúng tôi cách lựa thị, cách khứa thị thành 5 cánh, để khi ăn xong dán những đóa hoa thị còn thoang thoảng mùi thơm lên tường nhà. Từ chỉ vẽ của bà, những quả thị to, tròn không còn sức hấp dẫn với tôi nữa. Bởi rằng, quả thị ngon không những căng bóng, vàng ươm mà phải thật méo với trôn thị lệch hẳn sang một bên. Và với đóa hoa 5 cánh từ vỏ thị, bàn tay áp hoa lên tường phải thật khéo léo, dứt khoát, để sau đó cả 6 – 7 tháng trời đóa hoa màu vàng chuyển dần sang nâu ấy vẫn không bị rơi xuống.
Năm nay thị được mùa. Gói ghém mớ thị ngon với rau, cá và đặc sản quê, mạ tôi lại lập cập gửi xe cho đứa con rời làng đi làm xa là tôi. Vẫn nhớ như in cách mạ chỉ, tôi lựa ngay những quả thị méo ít hạt, cơm vàng ngon mắt. Cắn một miếng thị chín, nghe mùi thơm, vị ngọt lành dịu dàng thấm đẫm, tôi vụt trở lại là cô nhóc thuở còn thơ bé. Rưng rưng cầm quả thị trên tay, tôi lại nhớ đến mạ tôi, đến chiếc nón cời rách cũ đựng cả bầu trời tuổi thơ của mùa thu năm đó.
Mai Huế