Trở lại thời “ông bà anh” cùng trào lưu viết thư tay

Viết thư tay trở thành niềm vui của nhiều bạn trẻ

Một sáng cuối tuần, cô sinh viên Nguyễn Ngọc Ly, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế nhận được một bưu phẩm đặc biệt qua đường bưu điện. Đó là một bức thư tay, kèm với món quà nho nhỏ từ người bạn qua thư. “Mình đã đợi bức thư này hơn một tuần rồi”, Ngọc Ly hồ hởi.

Tưởng chừng đã chìm vào quên lãng trong thời đại smartphone, nhưng thời gian gần đây, giới trẻ lại hào hứng với những bức thư viết tay. Trào lưu này thường được “gen Z” gọi là penpal – bạn qua thư. Người gửi và người nhận thường viết cho nhau những lá thư, gửi kèm những món quà nhỏ tự tay mình làm. Đương nhiên là những lá thư này được gửi qua đường bưu điện đúng kiểu thời “ông bà anh”. Tuy nhiên, thay vì phải ra tận nơi dán tem và gửi như cách truyền thống, các bạn trẻ chọn sử dụng những đơn vị vận chuyển đến tận nơi lấy thư, như EMS, J&T, giao hàng nhanh… Điều này rất tiện lợi vì các bạn không phải di chuyển xa mà vẫn gửi được thư.

Ngày nay, penpal được các bạn trang trí và thiết kế tỉ mỉ hơn nhiều với các sticker, hoa khô, chữ viết kiểu calligraphy, ruy băng, giấy trang trí… Bức thư thay vì chỉ có chữ thì nay đã biến thành một tác phẩm nghệ thuật bắt mắt và mang nét hoài cổ. Đối với những bạn thường dùng bullet journal, các lá thư sẽ kèm theo một vài sticker, giấy washi trang trí… để trao đổi với bạn của mình. Làm như vậy sẽ giúp cho các bạn trẻ có thêm nhiều bạn và chia sẻ với nhau những món đồ trang trí ít dùng để tránh lãng phí.

Đã có penpal được gần một năm, Mai Phương Thảo, sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế chia sẻ: “Mình biết đến penpal qua một vài video trên Tiktok của các bạn làm để gửi cho bạn phương xa. Lúc đó mình thấy việc có người bạn qua thư ở một nơi khác, cùng nhau chia sẻ những điều yêu thích qua thư thật thú vị. Vì vậy mình đã bắt đầu thử và tham gia làm penpal với các anh chị ở nơi khác”.

Phương Thảo cho biết, cảm giác hồi hộp khi chờ đợi lá thư cũng như niềm vui cầm trên tay chiếc thư thật xinh đẹp, với những dòng chữ viết tay cũng làm nhiều teen phấn khích. Điều này thật khác biệt với những dòng tin nhắn nhanh nhưng vô hồn trên internet. Giới trẻ hiện nay có thể tìm bạn qua thư thông qua các trang web, mạng xã hội, như Instagram, Tiktok… với hashtag #penpal. Các nhóm trên Facebook, như: Bulletjournal and penpal with me, Let’s penpal, Penpal Vietnam… cũng là nơi để các bạn tìm kiếm bạn penpal cho mình.

Không chỉ là một nơi để giới trẻ chia sẻ tâm sự sâu mà từ đây, đã có nhiều bạn trẻ tìm được người bạn tri kỷ. Nguyễn Anh Thư, sinh viên Trường đại học Luật, Đại học Huế bật mí: “Bức thư mà mình ấn tượng nhất là của một người bạn ở miền Bắc. Bạn đó sinh năm 2002, tụi mình tình cờ quen qua Slowly (một ứng dụng viết thư điện tử). Một ngày nọ mình nhận được bức thư nói rằng bạn ấy đã bỏ ngành mình đang học, bạn không dám nói cho gia đình nhưng nếu để bản thân không hạnh phúc thì thật khó chịu. Chúng mình đã thư từ qua lại để động viên nhau, chia sẻ những ước mơ với nhau. Sau một năm nghỉ học, bạn đi làm và có nhiều trải nghiệm để trưởng thành hơn. Điều đó khiến mình cảm thấy được khích lệ lắm”.

Không chỉ kết nối bạn bè trong nước, penpal còn giúp teen tìm hiểu và tâm sự với các bạn ở nước ngoài. “Mình vô tình quen được một người bạn ở Thụy Sĩ qua ứng dụng Penpal. Và chúng mình đã viết thư cho nhau một vài lần. Mình thật sự cảm thấy rất vui khi tìm được một người bạn ở nơi xa và được nghe bạn kể những câu chuyện về văn hóa, đất nước, cuộc sống của bạn. Mỗi lần nhận được thư và quà của bạn ấy, mình đều cảm thấy rất vui”, Phạm Kiều Trang, sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế vui vẻ.

Tuy vậy, đôi khi penpal cũng làm người chơi… chùng lòng một chút vì có những lá thư được viết bằng tâm huyết, nhưng người nhận không hồi âm. “Có lần mình cặm cụi viết thư và gửi quà tặng cho người bạn ấy, nhưng rồi một tuần sau mình nhận được thư hoàn về do người kia… từ chối nhận. Lúc đó mình hụt hẫng lắm, nhưng rồi cũng rút ra kinh nghiệm là phải nói chuyện với người đó trước, tìm hiểu xem hai người có nhiều sở thích chung không, bạn ấy có hứng thú viết thư trao đổi không… rồi mới bắt đầu hành trình penpal này”, Kiều Trang chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …