Sử dụng xe đạp – Một hoạt động thể thao cộng đồng hưởng ứng. Ảnh: NVCC
Những con số đáng báo động
Thực trạng ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nhức nhối của thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (The Environmental Performance Index – EPI) do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện năm 2021, Việt Nam là một trong 10 nước ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu châu Á; tiêu biểu là ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5).
Thông tin từ iqair.com cho biết, đến hết năm 2021, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam cao gấp 4,9 lần mức độ không khí đảm bảo của WHO. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/9 quốc gia. Xét trên toàn thế giới, Việt Nam xếp thứ 36/117 quốc gia có nồng độ PM2.5 cao nhất. Tại Huế, theo thống kê từ trang web iqair.com, chỉ số AQI (chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày, sử dụng tương tự như thước đo để đánh giá không khí xung quanh chúng ta sạch hay ô nhiễm) của TP. Huế giai đoạn tháng 2 năm 2023 thường xuyên nằm ở mức trung bình, có ngày còn “vọt lên” mức kém và xấu.
Những con số thống kê cho thấy, dường như tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày một gia tăng. Điều đáng nói là, người dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết “gánh nặng” ô nhiễm không khí. Nhưng cho đến nay, hầu hết còn chưa nắm rõ được những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí cũng như những hiểm họa sức khỏe về lâu dài. Vì thế, nhiều người vẫn còn rất thờ ơ và dường như đứng ngoài cuộc.
“Bên cạnh các yếu tố từ nguồn giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp; hoạt động của các làng nghề và các hoạt động dân sinh phát tán lượng khí thải đọng lại ở khu vực gần mặt đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng… cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều. Thành phố càng phát triển, công trình xây dựng, các khu công nghiệp, nhà máy càng mọc lên không ngừng. Các loại vật liệu, như xi măng, đất, cát, phế liệu, khí thải… đặc biệt ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân vẫn chưa tốt, đều góp phần không nhỏ làm tăng tỷ lệ bụi mịn, gây ô nhiễm trong thành phố”, PGS.TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cho biết.
Gây hại đến sức khỏe
Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra tác động sức khỏe của bụi mịn ô nhiễm không khí từ bụi PM2,5 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Ngoài ra, ô nhiễm không khí là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Ảnh hưởng Sức khỏe, cứ 10 người thì có 9 người hít thở không khí có nồng độ bụi PM2.5 cao hơn 10 µg/m3 (mức khuyến cáo năm 2004 và mức lộ trình II theo khuyến cáo năm 2021 của WHO).
“Khi PM10 đi vào cơ thể bằng đường dẫn khí, tích tụ lại phổi thì PM2.5 lại nguy hiểm hơn vì chúng khá bé nên dễ dàng luồn lách vào tĩnh mạch, túi phổi, xâm nhập cả vào tuần hoàn máu. Chính bụi PM2.5 kết hợp cùng NO2, SO2, CO nhiều sẽ ngăn cản Hemoglobin kết hợp với oxi làm tế bào bị thiếu oxi. Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tác động rõ rệt nhất lên phổi. Các triệu chứng có thể được nhìn thấy ngay sau khi tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao, bao gồm kích ứng đường hô hấp, khó thở và tăng nguy cơ lên cơn hen suyễn”, bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Minh, Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế phân tích.
Theo PGS.TS. Trần Anh Tuấn, đối với những ngày có chỉ số AQI cao, người dân cần hạn chế ra đường đi lại nếu không có công việc thật sự cần thiết. Những khung giờ cao điểm, lưu lượng xe đi lại tăng, người dân cũng cần tránh để giảm thiểu lượng bụi hít phải trong không khí. Khi cần đi ra ngoài, nên đi tranh thủ để hạn chế thời gian di chuyển, lưu lại trên đường.
“Giải pháp quan trọng để giảm tình trạng ô nhiễm là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi người dân, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường không khí nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các đô thị”, PGS.TS. Trần Anh Tuấn chia sẻ.
ĐĂNG TRÌNH