Măng vòi tất nhiên là ngon hơn măng gốc vì lát măng nhỏ, giòn hơn, vị đắng ngọt cũng thấm tháp hơn… Măng vòi là măng trên cây tre, chúng đâm ra trên những thân tre gai như những chiếc vòi. Mỗi cây tre già có đến chừng trên cả 10 mụt măng vòi. Măng vòi ra gần như liên tục, cứ cắt những mụt măng này thì chỉ chừng một tuần lễ sau sẽ có một lứa măng vòi khác đâm ra từ thân tre…
Hồi trước, quê tôi tre trồng san sát, nhà mô cũng có một bờ tre nên măng vòi là thức ăn có sẵn, ai thích ăn thì ra bờ rào bẻ vài chục mụt vô tước vỏ, chẻ nhỏ muối chua để dành nấu canh. Tôi nhớ nhất cảnh một mệ già ở quê chuyên đi bẻ măng vòi dọc các lối xóm trong làng mang về muối chua để bán chợ. Thỉnh thoảng, mệ lại nách rổ vô xóm tôi bẻ măng vòi. Mệ cầm một chiếc đùi tre dài, ở phía trên cột cái liềm để cắt từng chiếc măng vòi một. Tuổi mệ đã già nên mắt kém, tay lại run nên mệ cắt măng rất chậm rãi. Thấy rứa là mấy đứa con nít xóm tôi bỏ chơi giúp mệ cắt những mụt măng vòi. Có đứa giỏi leo trèo còn trèo lên bụi tre bẻ măng giúp mệ. Bởi rứa chỉ chừng nửa tiếng đồng hồ là mệ đã có đầy một rổ măng vòi mang về để muối cho các phiên chợ…
Măng vòi nấu canh ngon nhất là với cá tràu, cá rô, cá zét và cá ngạnh… Chỉ vài con cá nhỏ, cắt khúc xào qua cho thấm rồi nấu canh măng vòi. Mà nấu canh măng vòi thì phải bỏ cho thiệt nhiều măng, gần như đặc luôn cả xoong canh để cho vị và hương của cá thấm vào từng lát măng nhỏ. Ăn canh măng vòi cá đồng có vị ngọt của cá, vị đắng hơi ngả chua của măng. Đặc biệt, cứ đến mùa cá ngạnh trứng bơi về cánh đồng làng tôi, nhà mô cũng có canh măng vòi cá ngạnh trứng, đó là một món đặc sản của làng và vườn, những người con đi xa nhớ mãi mà ước mong được về quê trúng mùa cá ngạnh trứng để thưởng thức tô canh cá ngạnh măng vòi mạ nấu. Canh măng vòi chỉ thiệt sự ngon khi lát măng còn giòn, ăn mà nghe được âm thanh từ trong miệng…
Ở nhiều xã ven biển như: Vinh An, Vinh Thanh, Vinh Hiền… măng vòi còn là một nguyên liệu không thể thiếu trong món tôm tép chua đặc sản của họ. Những mụt măng vòi đã lột vỏ cắt thành từng khúc ngắn, rồi trộn chung với tôm tép cùng các nguyên liệu khác như ớt, tỏi, thính để làm tôm tép chua. Miếng măng vòi khi đã chua đi cùng tôm tép ăn “ngậm mà nghe” như bà con ở những vùng quê này vẫn có câu ca: “Tôm chua ngâm với măng vòi/ Ba rọi một miếng quên trời đất luôn”…
Xưa, làng tôi nhà mô cũng có một hũ măng vòi muối chua để trong cụi bếp. Cứ có cá đồng tươi là lấy măng vòi ra nấu canh. Tôi nhớ ngày xưa trời nóng nực, xúc chén cơm chan canh măng vòi nấu với cá rô đồng ra ngồi bờ tre bên nhà, gió hiu hiu lay mấy ngọn tre vừa đủ mát. Vừa ăn vừa nhìn con chim gõ kiến kêu “chạch, chạch” cần cù gõ cái mỏ sừng chắc chắn vô thân tre bắt kiến… Rồi những lũy tre dần dần biến mất, món măng vòi thành hiếm mà cá đồng cũng ít dần. Ở phố, thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp hình ảnh một mệ già đi hái khế chua, hái rau rớn, rau tập tàng vào những buổi chiều. Nhìn mệ tôi lại nhớ mệ già năm cũ đi hái măng vòi ở quê tôi…
Phi Tân