Ngày cuối tuần, giấc ngủ nướng như một hình thức tôi tự thưởng cho bản thân sau những ngày làm việc căng thẳng. Thức dậy và thảnh thơi nhâm nhi tách trà hoa cúc, ngắm đàn bồ câu nhặt thóc nơi góc sân, dạo một vòng facebook thấy bạn bè tưng bừng khoe những vạt nắng cuối xuân đầu hạ trong veo. Con gái tối qua đòi ngủ với bà, sáng sớm theo chân bà đi bộ đã về, chạy ùa vào lòng mẹ tíu tít khoe những bông hoa gạo đỏ chói còn ướt sương. Ôi! Đây là loài hoa chưa bao giờ lỗi hẹn tạm biệt tiết xuân, bất chấp khí trời ẩm ương mà bung nở. Cầm bông hoa trên tay, tôi xoa đầu con lẩm nhẩm: “Bao giờ cho đến tháng Ba/Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Vậy là những ngày lạnh giá sắp qua rồi.
Cuối xuân, những đợt rét nàng Bân đỏng đảnh ùa về đột ngột như muốn xua hết rét mướt mà đón chào nắng hạ. Cây gạo sau những tháng ngày ngủ đông trọi lá, khi những cây khác ra lộc, ra lá rồi mới ra hoa, thì cây gạo lại có “quy trình ngược” hết sức đặc biệt. Chỉ khi hoa nở thì lộc non mới đâm chồi, đến khi hoa trút xuống thì lá biếc mới xanh cành, tỏa bóng. Hoa nở như thắp lửa trên những con đường quê, bên bờ ao làng, triền đê… Điều đặc biệt của loài hoa này là không mọc sát nhau, nhưng lại bung nở đỏ rực cùng thời điểm. 5 cánh hoa to và dầy xòe ra từ một ống hình trụ, nhụy hoa là những sợi dài, tựa như những tia lửa nhỏ. Dù chỉ một cây gạo lẻ loi ở một góc nào đó, thì cái dáng cao to sừng sững và màu hoa đỏ rực cũng như một tháp lửa giữa trời xanh.
Tôi nhớ cái cảm giác bâng lâng trong tiết lạnh se se dịu dàng mỗi sáng, đạp xe dọc bờ đê thoải mái hít căng luồng gió sớm tràn hương cỏ cây đồng nội đẫm sương đêm dịu ngát, ngắm cây gạo già ngạo nghễ trổ bông. Nhớ những buổi chăn trâu trên triền đê lộng gió, đám con gái đứa nào cũng lò dò dưới tán cây gạo tìm cho mình những bông hoa tươi xinh nhất. Mà giống hoa này cũng lạ lắm, chúng không héo tàn, không rụng từng cánh, mà sẽ rụng nguyên cả bông còn tươi thắm. Tuy đời hoa không dài, chỉ vài ba ngày đã rụng, nhưng lại bền bỉ giữ nguyên vẹn sắc màu. Cầm bông hoa mà tâm can thổn thức trước vẻ đẹp thô mộc và dung dị.
Đón những vạt nắng óng ả như mật xuyên qua kẽ lá, hoa gạo nở rộn ràng, trưng ra sắc hương rực rỡ ở thời kỳ mãn khai nhất. Người ta ví sắc đỏ hoa gạo tươi thắm như son môi thiếu nữ, như lửa than đang độ đượm nồng nhất, và rực cháy như ánh mặt trời lúc hoàng hôn. Tôi thích cái cảm giác đứng dưới tán cây to rộng ấy, nghe gió chiều thênh thang mơn trớn, hoa gạo rơi lã chã, đỏ rịm cả nền cỏ xanh.
Mùa hoa gạo nở, mỗi ngày sau buổi học, tôi lại cố đạp xe thật nhanh về triền đê. Ở đó mấy đứa bạn học khác buổi thể gì cũng đang nhẩn nha chơi ô ăn quan, hoặc chúng gom hoa gạo rồi ngồi quây tròn khám phá mùi, vị của chúng, hay đơn giản là nằm trên cỏ ngắm bầu trời qua tán cây khẳng khiu gầy guộc, vẽ giấc mơ tương lai đầy mơ mộng. Đêm quê nhà, dưới gốc gạo già nơi đình làng, chúng tôi chơi trò khêu đèn dưới trăng. Ngày ấy ngây thơ đến độ, đứa nào cũng quả quyết trăng xoay theo mình, tay mình che được mặt trời…
Loài hoa thân thương ấy vẫn đến hẹn lại lên, thủy chung son sắt với độ xuân thì, sắc đỏ ngợp trời rưng rức mỗi độ tháng Ba về. Tất bật mưu sinh, sự mộng mơ con trẻ khi xưa cũng dần trở nên xa xỉ, nhưng những xúc cảm chộn rộn với bao kỷ niệm một thời với hoa gạo vẫn dạt dào trong tiềm thức. Một ngày, bất chợt bắt gặp hoa gạo rơi đầy trong một con ngõ nhỏ giữa lòng phố thị, bồi hồi như thấy bóng dáng quê hương thanh bình yên ả và tuổi thơ mình nơi làng quê một thuở. Ngắm những bông hoa đỏ rực ru lay trong gió, vẳng nghe tiếng cười vui thơ trẻ dội về đâu đây, thầm gọi tên những ngày tháng Ba dịu ngọt.
Mai Đình