Ông Nguyễn Văn Cư, chỉ huy trong quá trình di dời chánh điện cũ của Quốc tự Diệu Đế
Ông là Nguyễn Văn Cư, người được mệnh danh là “thần đèn” vốn rất nổi tiếng khi đã chỉ huy di dời rất nhiều công trình đồ sộ, kiên cố từ vị trí này sang vị trí khác ở TP. Hồ Chí Minh gần hai chục năm qua. Thời gian gần đây, ông Cư hồi hương về Huế với công trình di dời ngôi chánh điện cũ của chùa Diệu Đế.
Nâng ngàn tấn trong tầm tay
Dưới cái nắng khó chịu của những ngày chuyển mùa xứ Huế, ông Cư cùng với cộng sự của mình tất bật hơn với công việc điều hành di dời ngôi chánh điện của chùa Diệu Đế nặng trên ngàn tấn với tuổi đời hơn 70 năm. Liên tục di chuyển quanh chánh điện, ngắm nghía từng góc cạnh từ trên xuống, ngoài đống máy móc hỗ trợ, “thần đèn” vẫn điều chỉnh việc di dời bằng chính kinh nghiệm tích lũy trong cuộc đời làm nghề của mình.
“Ngôi chánh điện này không chỉ xưa về tuổi đời mà sợ nhất là không còn được kiên cố. Nhưng về mặt văn hóa thì rất ý nghĩa, bởi bên trên trần có bức bích họa Long vân khế hội còn khá nguyên vẹn và vô cùng quý vẽ 5 con rồng ẩn hiện trong mây trên trần chánh điện cùng 4 con rồng trên 4 cột trụ nội điện – ông Cư chỉ tay về bức bích họa rồi nói tiếp – Vì vậy, khi nhận lời di dời tôi đắn đo và tính toán kỹ”.
Khi đó, chánh điện được ông cùng cộng sự dịch chuyển được hơn 4m. Thời tiết Huế những ngày di dời chánh điện thi thoảng gặp mưa khi về chiều nên dịch tới đâu ông tiếp tục tính toán tới đó, sao cho quá trình dịch chuyển không bị lún và đảm bảo an toàn, nguyên vẹn.
Để dịch chuyển ngôi chánh điện này, ông Cư đã đưa hàng chục tấn thiết bị máy móc từ TP. Hồ Chí Minh ra Huế. Những ai chứng kiến “cuộc di dời” này mới thấy được việc áp dụng máy móc và kỹ thuật rất bài bản, chuyên nghiệp. Ngoài chục nhân công, toàn bộ được thao tác và thực hiện bằng trang thiết bị hiện đại, thông qua sự điều khiển của con người.
Những ngày chánh điện của ngôi chùa nổi tiếng xứ Huế nằm trên đường Bạch Đằng hướng ra bờ sông Đông Ba dịch chuyển đã thu hút rất đông người đến xem. Người đến phần vì tò mò, người thì cho rằng “chuyện đó làm chi có thật”. Nhưng rồi ai cũng phải trầm trồ khi thấy ngôi chánh điện dịch chuyển một cách rất chậm. “Đứng từ xa rồi nhìn bằng mắt thường thì khó thấy lắm. Phải lại gần, quan sát con lăn mới thấy được ngàn tấn được kéo như thế nào. Giờ thì tui tin…”, ông Phan Tĩnh, một người dân chứng kiến hành trình di dời tấm tắc khen.
“Nhìn việc dịch chuyển thuận lợi vậy đó, nhưng để làm được chúng tôi phải mất công mấy tháng để khảo sát, lên phương án cụ thể, bài bản có vậy nhà chùa mới yên tâm giao cho”, ông Cư nói. Không riêng công trình này, tất cả những công trình ông nhận lời dịch chuyển, đích thân ông đến tận công trình khảo sát cũng như trực tiếp chỉ huy.
Theo ông Cư, để di dời, ông phải đi về giữa Huế và TP. Hồ Chí Minh liên tục để lên kế hoạch chi tiết, bởi lẽ không phải công trình nào cũng giống công trình nào mà tùy vào mỗi kiến trúc để có một “giáo án” khác nhau. “giáo án” ấy được ông đúc kết bằng chất xám, kinh nghiệm và đôi khi có chút liều lĩnh.
Có rất nhiều phương án đưa ra, nhưng phương án cuối cùng theo ông an toàn nhất đó là đào sâu xuống phần móng và cho đổ hệ đà bằng bê tông, kết nối với sắt thép để tạo sự kiên cố. Chọn phương án này bởi bằng kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ kết cấu, gần như ngôi chánh điện không có hệ thống sắt thép bên trong, nhiều mảng tường có dấu hiệu nứt nẻ.
Công việc này mất hơn hai tháng và phải thao tác từng mét cho đến khi hoàn thành, tổng hệ đà chạy quanh móng lên tới 180m. Ngoài ra, ông cho hệ thống trụ sắt chống đỡ những hạng mục bên trong chánh điện để quá trình di dời hạn chế tối đa những rủi ro, gây ảnh hưởng đến kiến trúc.
Như một cơ duyên
Từng di dời nhiều công trình kiến trúc tôn giáo, nhưng với ngôi chánh điện của cổ tự Diệu Đế là công trình tôn giáo đầu tiên ở Huế. Trước đó, ông Cư đã từng đảm nhận nâng cao 1,2m của một ngôi nhà rường ở huyện Phong Điền. “Vì từng dời nhiều công trình tôn giáo nên tôi cũng đã ít nhiều có kinh nghiệm cũng như nắm rõ nguyên lý, kỹ thuật trong quá trình thực hiện công việc”, ông Cư chia sẻ.
Khi hệ đà đã kiên cố cũng là lúc ông đưa máy móc “vây” quanh chánh điện và tiến hành công việc di dời. Ông cho đưa hệ thống ben thủy lực vào để nâng toàn bộ phần kết cấu ngôi chánh điện lên cao khoảng 20cm. Tiếp đến đặt toàn bộ ngôi điện lên những thanh gỗ bên dưới có lót những con lăn và kết nối với nhau.
Cách đó một khoảng, hai máy kéo cùng 4 ben thủy lực được nối với công trình bằng những sợi dây cáp cỡ lớn. Một khi máy nổ, các ben thủy lực này rút lại và kéo toàn bộ chánh điện ngôi chùa trượt trên đường lăn từ từ về vị trí cần dịch chuyển.
“Mỗi lần như thế, chúng tôi kéo được chừng 0,9 – 1m. Mỗi ngày kéo được 3-4 lượt”, ông Cư nói và dự kiến công việc hoàn tất trong vòng một tuần đổ lại. Tuy nhiên, do trong quá trình dịch chuyển gặp thời tiết mưa cũng như gia cố công trình để hạn chế vết nứt loang lổ nên dài hơn dự kiến vài ngày. Khi công trình về tới đúng vị trí, các công nhân sẽ tiếp tục dùng ben thủy lực kích công trình cao lên 15cm theo yêu cầu của nhà chùa trước khi liên kết với phần móng đã làm sẵn sao cho vừa kiên cố, vừa có tính thẩm mỹ.
Thượng tọa Thích Hải Đức, trú trì chùa Diệu Đế quan sát quá trình dịch chuyển ngôi chánh điện cũ, lòng tỏ ra vui mừng. Mừng vì chùa đã được trùng tu mới nhưng vẫn giữ được ngôi chánh điện xưa cũ để bảo tồn bức tranh quý. Thầy Thích Hải Đức kể rằng, việc mời “thần đèn” dịch chuyển ngôi chánh điện như một cơ duyên. Biết “thần đèn” đã lâu nhưng khi hay biết thông tin chính quyền địa phương mời ông ấy về khảo sát, lên phương án di dời ngôi biệt thự cổ có kiến trúc Pháp ở 26 Lê Lợi, TP. Huế nên nhà chùa đã ngỏ lời.
“Sau khi ngỏ lời ông Cư đã đồng ý và lên phương án kỹ lưỡng, bàn bạc với chùa trước khi bắt tay dịch chuyển. Dịch chuyển được vậy nhà chùa rất mừng”, thầy Hải Đức nói. Thầy cũng cho biết, khi việc dịch chuyển đâu vào đó nhà chùa sẽ lên phương án trùng tu, sửa chữa để trở thành ngôi nhà tổ thờ Phật, thờ vua, thờ pháp khí còn lại của chùa, chỉnh trang lại xung quanh để sinh hoạt.
Nổi tiếng với rất nhiều công trình ngàn tấn
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư, sinh năm 1955, quê ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc nhưng sống ở TP. Huế. Năm 2001, ông vào TP. Hồ Chí Minh và sau đó một năm “thầu” dịch chuyển, nâng các công trình. Đến năm 2004, ông cho thành lập Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư.
Ông Cư nổi tiếng bởi từng di dời hàng chục công trình nặng vài ba ngàn tấn ở TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận. Trong đó có thể kể đến các công trình di dời như dời ngôi nhà 6 căn nặng 3.000 tấn, nâng đại giác đường chùa Huệ Nghiêm cao lên 3,4m, nâng ngôi trường nặng 3.500 tấn lên 2m, nâng giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình nặng 6.000 tấn lên 2m… Để nhận được nhiều “thương vụ” như thế, ông Cư cho biết, ngoài chất lượng, kinh nghiệm thì trên hết đó là sự uy tín trong công việc.
Bài, ảnh: NHẬT MINH