Phát triển gắn liền với gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ và cấp ủy, chính quyền địa phương thị sát thực tế cuộc sống người dân đang sinh sống trong khuôn viên An Lăng

Tháo gỡ vướng mắc bằng những cơ chế, chính sách đặc thù

Quần thể An Lăng này rộng gần 6 ha, ngoài lăng vua và hoàng hậu còn có 42 mộ xây của ông hoàng bà chúa cùng 121 mộ đất của con cháu vua Nguyễn. Sau năm 1975, chính quyền Bình Trị Thiên cũ đã cấp nhà tập thể trong khuôn viên An Lăng cho cán bộ Ty Công nghiệp, Sở Giáo dục tỉnh sinh sống.

Hàng chục năm qua, 31 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu là cán bộ về hưu của tỉnh Bình Trị Thiên cũ vẫn sống tạm bợ trong khuôn viên lăng. Người dân sinh sống trong khuôn viên này không thể sửa chữa nhà cửa, họ mong muốn được di dời đến nơi ở mới.

Đến thăm, trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của một số người dân nơi đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ với những khó khăn hiện nay mà người dân gặp phải. Nhà cửa xuống cấp, rách nát, tạm bợ, nhếch nhác, chật chội là những khó khăn thực tại hiện nay của người dân sinh sống ở khu vực này.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định quan điểm là, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sớm di dời người dân trong khuôn viên An Lăng đến nơi ở mới bằng những cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù.

Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là, xem việc di dời người dân sinh sống trong khuôn viên An Lăng với mục tiêu cao nhất là, vì quyền lợi, cuộc sống người dân trên cơ sở bảo vệ, bảo tồn, phát triển Quần thể các di tích Cố đô Huế.

Nhà kho trong khuôn viên An Lăng đã bị xuống cấp, đổ sập bất cứ lúc nào

Kiểm tra tại di tích lịch sử cách mạng Đình làng An Cựu (kiệt 33 An Dương Vương, phường An Cựu), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng chia vui với dân trong làng khi Nhà nước đã cấp gần 10 tỷ đồng để sử dụng vào việc trùng tu, tôn tạo lại đình làng vì đã xuống cấp nghiêm trọng do thời gian.

Đình làng An Cựu được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh từ năm 2008. Nơi đây từng là địa điểm diễn ra những hoạt động quan trọng trong công cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân ta.

Trao đổi với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ và đoàn công tác, Ban đại diện làng An Cựu thông tin, qua thời gian di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Người dân làng An Cựu luôn mong muốn các cấp không ngừng quan tâm để sớm tu bổ, giữ gìn di sản quý báu này của ông cha để lại.

Trao đổi với Ban đại diện làng An Cựu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ kỳ vọng, người dân làng An Cựu luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục kêu gọi người dân trong làng đóng góp thêm kinh phí tiếp tục sửa chữa, tu bổ những hạng mục còn lại của Đình làng An Cựu; xứng đáng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ không chỉ của làng mà cả tỉnh.

Giải pháp hiệu quả, gắn với tình hình thực tế

Làm việc với Đảng ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phường An Cựu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ ghi nhận những nỗ lực cố gắng, kết quả đạt được, cũng như chia sẻ những tồn tại, khó khăn hiện nay.

Điều mà Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn và kỳ vọng là, Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, người dân phường An Cựu luôn đồng lòng, thống nhất cao tiếp tục xây dựng phường An Cựu phát triển nhanh, mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên phường An Cựu không ngừng đổi mới tư duy trong lãnh, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy và Đảng ủy phường. Chú trọng phát triển đảng viên mới, nhưng cần có những giải pháp hiệu quả, gắn với tình hình thực tế tại địa phương. Linh hoạt, chủ động trong công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành chính là yếu tố quan trọng để xây dựng Đảng bộ luôn “trong sạch, vững mạnh” nhiều năm liền.

Đình làng An Cựu đã được Nhà nước đầu tư gần 10 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo vì đã xuống cấp nghiêm trọng

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ yêu cầu lãnh đạo TP. Huế sớm chỉ đạo rà soát, trước mắt tháo dỡ các nhà kho đã bị xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm rất cao trong khuôn viên An Lăng. Phát triển đi lên của phường An Cựu là tất yếu, nhưng những cái gì mang giá trị truyền thống có từ lâu đời nên được bảo tồn, gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Mấu chốt vấn đề đặt ra là, tất cả các vấn đề cần được công khai để người dân biết, dân đồng tình ủng hộ. Muốn vậy, đội ngũ làm công tác dân vận từ tỉnh đến cơ sở, trong đó, có phường An Cựu cần bám cơ sở, gần dân để thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức trách, nhiệm vụ của mình. Xây dựng phường An Cựu ngày càng phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Đảng bộ phường An Cựu hiện có 681 đảng viên, sinh hoạt tại 19 chi bộ Đảng trực thuộc. Ba năm liền (2020, 2021, 2022), Đảng bộ phường An Cựu luôn đạt danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Bài, ảnh: ANH PHONG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …