Cần cân bằng lợi ích giữa các bên

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, bà Phạm Thị Ái Nhi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh nhấn mạnh: Việc phản biện, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phát huy cao độ quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân.

Quan tâm đến đất nông nghiệp

Đại diện Hội Nông dân tỉnh cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là Luật quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung.

Đặc biệt, đối với ngành nông nghiệp nói riêng. Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của hội viên, nông dân nên Luật cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – Nhà đầu tư – Nông dân, đảm bảo lợi ích của người nông dân, tạo sinh kế bền vững cho dân cư sống ở nông thôn dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị

Về vấn đề mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đại diện Hội Nông dân tỉnh đồng tình khi Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cũng cần có quy định về giới hạn đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Vì nếu mở rộng có thể sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo đất sản xuất cho nông dân.

Cũng liên quan đến đất nông nghiệp, đại diện Liên minh HTX tỉnh đề xuất có sự điều chỉnh với Điều 51 Dự thảo luật quy định. Cụ thể, không nên bó hẹp “chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn hoặc xã, phường, thị trấn giáp ranh trong cùng một huyện cho cá nhân khác…”, mà cần linh hoạt trong phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho những đối tượng sử dụng đất có nhu cầu phát triển sản xuất, phát huy tốt nhất giá trị của đất.

Đảm bảo quyền bình đẳng

Theo Đại diện Hội LHPN tỉnh, Luật Đất đai 2013 quy định hai vợ chồng cùng đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tạo môi trường bình đẳng và thuận lợi cho phụ nữ, tác động lớn đến nhận thức, hành vi của nam giới và phụ nữ trong tiếp cận đất đai.

Tuy nhiên, thực tế triển khai quy định này cho thấy còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó, phải kể đến tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến; nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới. Vì vậy, cần làm rõ hơn nội dung về Quyền bình đẳng giới trong sử dụng đất đai, đưa vào dự thảo Luật cụ thể hơn vai trò, vị trí của Hội LHPN Việt Nam trong việc giám sát thực hiện quyền về bình đẳng giới trong việc sử dụng đất đai; việc thực hiện hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất đối với phụ nữ tại Điều 105, chương VII dự thảo Luật.

Ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Xuất phát tình hình thực tế và thực trạng, kết quả thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Ban Dân tộc thống nhất với nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời tham gia góp ý một số nội dung để thực hiện hiệu quả chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề được quan tâm. Trong ảnh: Người dân vùng cao Nam Đông thu hoạch lúa

Nổi bật trong đó có vấn đề “Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất, trong đó tập trung về việc xử lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường” để ưu tiên giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào DTTS (Điều 175 của dự thảo Luật).

Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh, cần tập trung công tác rà soát, thu hồi đất của các nông, lâm trường, các chủ rừng hoạt động kém hiệu quả để tạo quỹ đất hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số. Xây dựng phương án sử dụng đất chưa đảm bảo phù hợp với hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng địa phương.

Diện tích đất các Ban quản lý rừng phòng hộ, công ty TNHH (các chủ rừng) cần được rà soát, cắm mốc để quản lý, sử dụng hiệu quả, đồng thời thực hiện bàn giao một phần diện tích đất đai cho địa phương để có quỹ đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng là các hộ dân không có đất ở, hoặc thiếu đất sản xuất, là người có nhu cầu chính đáng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp, góp phần quan trọng giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở địa phương.

Hội thảo cũng tập trung vào các nội dung như: Thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai…

MINH NGUYÊN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Một học sinh đuối nước trên sông Bồ

Lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ- ảnh PCCC Khoảng 9 giờ …