Phái yếu ra khơi

Gỡ lưới

1. Các làng chài Bình An, Phú Hải thuộc xã Lộc Vĩnh trong những ngày đầu năm, nhiều nhà cửa đóng, then gài. Chị Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Vĩnh nói như phân trần, thời tiết đẹp, phụ nữ đi biển cùng chồng, lênh đênh theo sóng vài ba ngày mới về. Chị Hằng khen, các chị làm việc chi cũng giỏi, từ đi biển đánh bắt đến thu mua hải sản đều làm được hết. Bởi thế, nhiều ông chồng cứ tấm tắc khen vợ bằng cách ví von, đi biển thiếu phụ nữ như thuyền mất đi một mái chèo. Lời chị Hằng kể đầy sức thuyết phục khi chị vốn là con của ngư dân ở làng chài này. Chị lớn lên được ăn học đầy đủ từ những giọt mồ hôi mặn chát của bố mẹ sau những ngày ĐBXB. Hơn ai hết, chị hiểu nỗi vất vả, tảo tần của phụ nữ vùng biển, như thấy bóng dáng của mẹ mình trong đó.

Tôi ngạc nhiên qua câu chuyện của Hằng. Bấy lâu chỉ biết đến phụ nữ ở làng chài chờ chồng trở về sau những ngày dài, rồi tất bật đem cá, tôm ra chợ bán. Chuyện phụ nữ trung niên điều khiển thuyền bè một cách ngon ơ lênh đênh trên sóng nước thì vẫn chưa hình dung hết được.

Phơi khuyết

Tôi cứ ngẩn tò te khi nghe chị Nguyễn Thị Bé ở thôn Bình An, đời cuối thế hệ 7X, có hơn 20 năm ra khơi, trải lòng: “Ngày trước, chồng tui có khi mô nghĩ đến chuyện cho tui lên thuyền mô. Ông cứ khăng khăng rằng xưa bày nay làm, phụ nữ mà xuất hiện ở ngư trường là y như rằng tôm cá sẽ bỏ đi nơi khác, đánh bắt thất thu. Tui ấm ức cãi tay đôi với ông, cãi chán ông cũng không chịu. Cuối cùng, tôi núp dưới thuyền, khi ra khơi ông phát hiện thì chuyện đã rồi”, chị cười tinh ý.

May mắn với chị Bé khi ngày đầu tiên đánh bắt xa nhà, cá về đầy khoang. Từ đó, chồng chị chủ động rủ chị đi biển nhiều hơn vì chị đỡ đần được nhiều phần việc. Mỗi khi ra khơi, chị chủ yếu lưới rê, đánh những con cá hố, cá nục, rồi câu mực các loại. Chị nói nhỏ cốt để không cho chồng nghe. “Chẳng phải “vía” tôi nhẹ mà tôi am hiểu con nước nên tư vấn cho chồng, hễ đánh bắt vùng nào là trúng vùng đó. Tôi nhìn luồng nước đoán được loại cá, nhìn mặt sóng và vùng trời để chọn ngư trường. Cái ni dân làm biển gọi là giác quan làm nghề, ai có được xem ra rất thuận tiện trong việc đánh bắt”.

Cũng giống như gia đình chị Bé, nhiều cặp vợ chồng ở làng chài đi biển đều có đôi nên thuận tiện trong việc đánh bắt dài ngày. Họ vừa có của ăn của để, vừa đi mô cũng có nhau nên rất hạnh phúc. Chị Trần Thị Ánh, một phụ nữ cũng khá siêng năng bám biển cùng chồng, tự hào khoe chiến tích khi căn nhà khang trang mới được cất lên và 4 đứa con có cái tên ở nhà thật dễ thương: tôm, tép, cua, sò… ghi dấu ấn từ những chuyến đi biển dài ngày của bố mẹ.

2. Khi đặt câu hỏi về nỗi sợ trong lúc ĐBXB, tôi nhận được nhiều câu trả lời khác nhau như chính tâm trạng của các chị. Chung quy vẫn là những ngày đầu “nhập môn”, có chị say sóng tưởng chừng không trở về đất liền được. Có chị lại sợ những đêm dài đánh bắt, tưởng đã phải bỏ mạng giữa biển khơi vì sóng to gió lớn. Nhưng nỗi nhớ con vẫn luôn thường trực đối với không ít phụ nữ làng chài. Khi bố mẹ cùng đi vắng, những đứa trẻ phải đưa đi gửi tạm sang nhà người thân.

Tất bật mua bán hải sản sau những chuyến đi

Đã lên thuyền thì không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, đều nằm lòng các nguyên tắc cơ bản của nghề. Chị Nguyễn Thị Hồng ở làng Bình An, xòe đôi bàn tay liệt kê một loạt công việc. Trước hết là phải biết bơi, am tường tác dụng của các loại ngư, lưới cụ và rành rẽ về con nước; nhìn mặt nước phải biết đặt ngư, lưới cụ cho hợp lý. Khó khăn nhất vẫn là phải biết điều khiển thuyền, phòng trường hợp gặp sóng dữ. Nhiều chị thủ thỉ, đôi khi thấy chồng vất vả quá cũng thương, nhất là mỗi thuyền 24CV (mã lực) mà lái hết cả chặng đường dài thì sức mô chịu thấu. Thế nên, hầu như mỗi khi phụ nữ đã đi thuyền cùng chồng là họ học luôn nghề lái. Đôi tay các chị cũng luyện tập thường xuyên để kéo những tấm lưới nặng trĩu.

Đến đây, tôi bỗng dưng nhớ đến chị Nguyễn Thị Khanh (thôn Phú Hải) khi có lần đến tác nghiệp ở làng chài này. Chị kể, nhà đông anh em nên tôi phải nghỉ học để mưu sinh bằng nghề đi biển. Ở tuổi 16, chị đã theo cha ra khơi. Giờ đây, khi có gần 20 năm đi biển thì “tay nghề’’ của chị trở nên lão luyện. Thậm chí, chồng chị không phải là dân làm biển, chị dạy luôn chồng đi biển để tiện trong việc làm ăn. Hằng ngày, một mình chị điều khiển con thuyền 24CV, băng qua những luồng lạch để đánh bắt cá và cũng là cách khiến cánh đàn ông rất nể phục.

Và tôi đã tìm câu trả lời cho chính mình khi trước đó cứ tự hỏi vì sao phụ nữ vùng biển lại có dáng người thon, gọn, săn chắc, tay chai sần, gân guốc đến vậy.

3. Ở làng chài Bình An và Phú Hải có hơn 100 phụ nữ làm nghề đánh bắt hải sản. Nhiều chị trong số đó ở làng biển này đã lên chức bà ngoại, bà nội, bận chăm cháu và cũng không còn sức khỏe như trước. Như chị Bé đã chuyển sang đánh bắt gần bờ. Những hôm thuyền không ra khơi, chị lại ngồi đan lưới để chuẩn bị cho những chuyến đi biển tiếp theo. Vẫn biết, ĐBXB vất vả và hiểm nguy rình rập nhưng thu nhập từ biển cũng vô chừng. Chị Khanh ở Phú Hải giải thích, có phải lúc mô thuyền về cũng cá bạc đầy khoang, mà phụ thuộc vào luồng cá, thời tiết. Thế nên, có khi thu về bạc triệu, nhưng lắm lúc cũng chỉ vài trăm. Điều đó cũng không thực sự quá quan trọng với nhiều chị, biển lúc được mùa, lúc gặp khó là lẽ thường tình. Có điều, mỗi khi họ đã trót gắn với biển thì dứt ra cũng khó và nỗi nhớ biển đến quay quắt khi có chị chiều nào cũng ra biển ngóng trông. Trước biển, họ như thỏa nỗi nhớ về thời thanh xuân đầy gian khó, nhưng cũng rất kiên cường của mình.

Nương theo con nước, nương theo đàn cá để mưu sinh… Hơn ai hết, những người đàn bà vùng biển càng có ý thức bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi hải sản. Bởi bảo vệ biển cũng là bảo vệ cuộc sống của chính họ, chị Hằng chia sẻ và tôi cũng cảm nhận được rõ ràng điều đó.

Bài: Huế Thu – Ảnh: Ngọc Minh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …