Cô giáo Huỳnh Phan Ái Huyền cầm tay chỉ việc cho học viên
Tạo cơ hội
Thầy Hóa gắn bó với Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho Người tàn tật (trực thuộc Hội Người khuyết tật (NKT) – Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi tỉnh) đã 11 năm nay. Hàng chục năm tuổi nghề, đối với thầy, truyền nghề không chỉ là việc dạy cho các em học sinh khuyết tật cách tháo lắp, sửa chữa xe máy, truyền nghề còn là truyền động lực, tự tin để giúp các em hòa nhập.
Người thầy đã hơn 30 năm tuổi Đảng chia sẻ: “Các em khi đến học nghề không chỉ khác nhau ở lứa tuổi mà trình độ, nhận thức và cá tính đều có sự khác biệt. Vì thế, mình phải thật sự hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư của mỗi em để làm sao các em hòa nhập tốt nhất”.
Như trường hợp Trần S., quê ở Phú Lộc, gia đình đông anh em nhưng chỉ có em là con trai duy nhất. Không may mắn bị khuyết tật thần kinh, S. ngang bướng hơn những bạn cùng trang lứa. Sau khi tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy, S. dần mở lòng với bạn bè và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.
Không chỉ tình bạn, tình cảm thầy trò, lớp học nghề sửa chữa xe máy còn mang đến cho các em những cơ hội mới. Hướng dẫn một học viên tháo, lắp bánh xe, thầy Hóa kể: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề, vì thế tôi cố gắng hết sức để dạy hết tất cả những gì mình biết cho các em. Sau khi hoàn thành khóa học, các em có thể tự tin trở thành thợ sửa chữa xe máy”.
Thầy Nguyễn Xuân Hóa tận tâm truyền nghề cho học viên
Cả 3 người con trai của thầy Hóa đều có tiệm sửa xe máy. Đây cũng là nơi thầy giáo tâm huyết gửi gắm học trò của mình để vừa tạo thu nhập, vừa rèn cho các em những kiến thức thực tế về nghề cũng như nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Thầy bộc bạch: “Khó khăn nhiều lắm, nhưng được truyền nghề cho các em đã là một niềm hạnh phúc rất lớn với tôi. Dịp lễ tết, các em về thăm, nhìn các em có thể tự nuôi sống bản thân, lập gia đình, niềm hạnh phúc ấy như vỡ òa”.
Trao yêu thương
“Tôi khâm phục các em!”, đó là câu nói để lại ấn tượng sâu sắc nhất với chúng tôi khi cô giáo dạy thêu Huỳnh Phan Ái Huyền trìu mến nhìn các cô cậu học viên của mình. Năm 2008, cô Huyền bắt đầu đảm nhiệm lớp học nghề thêu ren tại trung tâm. Cô Huyền chia sẻ: “Nghề thêu đối với tôi vừa là cái duyên, vừa là niềm đam mê. Và nhờ các em, niềm đam mê ấy đã được tiếp nối”.
Không gian của lớp học thêu ren vắng lặng, khác hẳn tiếng đục đẽo của lớp mộc mỹ nghệ hay tiếng máy rộn ràng trong lớp sửa xe máy. Nhưng không gian ấy có được chẳng hề đơn giản. Vì với hàng chục học viên, mỗi em là mỗi tình trạng khuyết tật khác nhau, điều hành lớp học đã khó, huống hồ là cầm tay chỉ việc, dạy nghề thêu cho các em.
Thoăn thoắt với họa tiết mặt trời thêu trên vải may kimono, Nguyễn Thị Kim Loan, nữ học viên không may bị khuyết tật tay đang vô cùng chăm chú. Khuôn mặt Loan rạng rỡ khi nhắc đến cô giáo dạy thêu của mình, em nói: “Ban đầu em cũng như các bạn, ai cũng lóng ngóng vì kim thêu, cách thêu. Nhờ sự chỉ vẽ tận tình của cô, em không chỉ học thêm được nghề, mà còn thấy vui hơn vì được học, hòa đồng với mọi người”.
Nhìn Kim Loan, ít ai nghĩ rằng chỉ 1 năm trước, em còn là cô bé rụt rè, ít nói. Ở lớp mỗi bạn đều có hoàn cảnh riêng, có bạn khuyết tật tay, chân, có bạn chậm phát triển trí tuệ, có bạn bị câm, điếc bẩm sinh. Hàng chục hoàn cảnh, độ tuổi và tính cách khác nhau, nhưng từ tình yêu thương của cô giáo Ái Huyền, mọi mặc cảm, mọi nỗi đau đều được dung hòa, chỉ còn tiếng kim thêu nhẹ trên mỗi khung vải.
Không chỉ hiểu tâm tính, sở trường và sở đoản, cô Huyền phải cập nhật liên tục cách tiếp cận để làm sao mỗi học viên đều có thể ra nghề nhanh nhất. Bằng tình yêu thương, cô còn học cả thủ ngữ để giao tiếp với những học viên không may bị câm, điếc. Cô Huyền chia sẻ: “Nhìn các em học viên mà mình thương vô cùng. Có em một tay bị liệt nên chỉ còn một tay linh hoạt, kim thêu lại nhỏ, cả buổi vẫn chưa xỏ được vào. Có em hoàn cảnh gia đình khó khăn, có em lại không may bị khuyết tật thần kinh. Nhưng các em đều cố gắng hoàn thành những phần việc của mình, giúp bạn xỏ kim, chỉ vẽ nhau những đường thêu. Nói rằng tôi đang dạy các em, nhưng chính bản lĩnh và tình yêu thương, sự đồng cảm của các em cũng đã dạy cho tôi những bài học quý giá”!
Hướng đến tương lai
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật cho biết: “Là công việc đặc thù, từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật đã đào tạo hàng nghìn học viên. Nhưng đã có hàng chục giáo viên không “trụ” được với nghề bởi tính đặc thù, sự khó khăn khi phải tiếp cận với các học viên khuyết tật. Có thể nói ngoài nghiệp vụ, thì tình yêu thương, sự kiên trì chính là điều kiện tiên quyết để mỗi cán bộ, nhân viên trung tâm gắn bó với công việc này”.
Chỉ tính riêng năm 2021, với 7 ngành nghề được đào tạo là may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, thêu ren, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt tóc, trang điểm và hướng nghiệp dạy nghề, trung tâm đã đào tạo cho 243 lượt học viên với tổng cộng 13 khóa. Ngoài dạy nghề, trung tâm còn mở thêm 3 xưởng tạo việc làm cho các học viên sau khi hoàn thành khóa học.
Năm 2020 – 2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động của trung tâm chỉ diễn ra cầm chừng. Đến giai đoạn này, dù trải qua nhiều biến cố, những giáo viên tâm huyết với các học viên khuyết tật vẫn vững vàng bám trụ với nghề. Đại diện trung tâm thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh tuyển sinh để tiếp tục những hoạt động giảng dạy còn đang dang dở. Cũng như tăng cường vận động, huy động các nguồn lực để tìm kiếm đơn hàng, giúp mang lại thu nhập cho học viên. Đường đi sẽ rất dài và gian nan, nhưng tin rằng từ quyết tâm của mỗi giáo viên và sự đồng hành của các cấp ngành, các mạnh thường quân, hoạt động hướng nghiệp – dạy nghề tại trung tâm sẽ có những chuyển biến tích cực”.
Khi chuẩn bị rời đi, chúng tôi nghe rộn ràng những âm thanh trong trẻo từ lớp học may công nghiệp. Thì ra đó là tiếng giảng bài của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hân, giáo viên đứng lớp trẻ nhất trung tâm. Nở một nụ cười đầy ý nghĩa, ánh mắt ông Trần Văn Thành ánh lên niềm vui của một người tự tin. Không chỉ tin vào đội ngũ giáo viên tận tâm, tận lực đã nhiều năm trời gắn bó với các lớp học đặc biệt, niềm tin ấy còn vì những giáo viên trẻ tâm huyết như cô Ngọc Hân. Bằng tình yêu và sự quý mến sâu sắc với các học viên, họ sẵn sàng yêu thương, sẻ chia và giảng dạy những kiến thức nghề hữu ích đến với những học trò khuyết tật.
Bài, ảnh: MAI HUẾ