Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trai dù tuổi đã cao vẫn miệt mài viết sách về văn hóa, lịch sử
Gần 80 tuổi, nhưng trong văn phòng giản dị tại ngôi nhà số 38 đường Đặng Huy Trứ (TP. Huế), nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Nguyễn Ngọc Trai ngày ngày vẫn miệt mài bên chiếc laptop, không ngừng đọc, tìm hiểu, viết và xuất bản sách.
Nguyễn Ngọc Trai sinh năm 1944 ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là kỹ sư nông nghiệp, cũng từng trải qua nhiều công việc khác nhau. Dù vậy, ông vẫn luôn đam mê tìm tòi, không ngừng nghiên cứu và biên soạn sách, làm thơ.
Đến với văn chương, nghiên cứu khi tuổi còn trẻ; sự đam mê sưu tầm, tìm hiểu và trân trọng giá trị văn hóa dân tộc giúp cho Nguyễn Ngọc Trai có được những thành tựu trong sự nghiệp cầm bút của mình.
Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài viết và in sách. “Dù tuổi tác thế nào, dù học vấn ra sao, phải luôn luôn tự học; phải tìm hiểu về lịch sử, văn hóa; phải làm nên điều có ích cho đời” – đó là quan niệm sống và viết của Nguyễn Ngọc Trai. Với phương châm đó, dù đã nghỉ hưu gần 20 năm, khác với những người khác; ông vẫn mải mê làm việc, viết và in sách, chưa khi nào ngơi nghỉ.
Với 17 đầu sách nghiên cứu đã xuất bản, với khoảng gần 3.000 trang, các công trình của Nguyễn Ngọc Trai được dư luận và giới nghiên cứu về lịch sử, văn hóa trong nước đánh giá cao. Hầu hết các công trình của ông viết về nhân vật lịch sử và văn hóa, tâm linh gắn bó với vùng đất Quảng Bình như: Hoàng Kế Viêm cuộc đời và sự nghiệp (400 trang); Quảng Bình địa danh địa giới qua các thời đại (200 trang); Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình xưa nay (gần 1.000 trang); Phật giáo Quảng Bình xưa và nay (600 trang); Quảng Bình địa linh nhân kiệt (463 trang …). Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Trai có khoảng hơn 100 bài báo, bài nghiên cứu đã được đăng ở các báo, tạp chí trung ương, địa phương và nhiều tập thơ đã xuất bản.
“Trong số các công trình nghiên cứu có giá trị của Nguyễn Ngọc Trai, Hoàng Kế Viêm cuộc đời và sự nghiệp là công trình nghiên cứu khoa học lịch sử nghiêm túc, công phu, được giới sử học đánh giá rất cao: – Tiến sĩ sử học Phan Viết Dũng (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) đánh giá.
Trong các nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trai đã đưa ra những kiến giải mới khá thú vị về quê hương. Ví dụ, trong cuốn Quảng Bình địa linh nhân kiệt, đề cập về địa danh cửa sông Nhật Lệ, trước đây hai chữ “Nhật Lệ” thường được hiểu theo lưu truyền trong dân gian có liên quan đến nước mắt. Nhưng tác giả Nguyễn Ngọc Trai lại kiến giải chữ “Nhật Lệ” ở đây ứng với nghĩa ánh mặt trời rực rỡ, lung linh, là vùng cửa sông đẹp. Về hai chữ Phong Nha (động Phong Nha), lâu nay vẫn được giải nghĩa là răng của gió, hay gió thổi qua kẽ răng. Nhưng theo ông Trai, phải hiểu Phong Nha nghĩa là những đỉnh núi thiêng, nơi ở và nơi làm việc của các vị tiên, thánh… phù hợp với các truyền thuyết và di tích thờ tự tiên, Phật từng có ở đây.
Mặc dù ở tuổi 79, ông Nguyễn Ngọc Trai vẫn không ngừng viết mỗi ngày bên chiếc laptop cũ. Ông còn sử dụng rất thành thạo các trang mạng xã hội như facebook, zalo…; đồng thời, ông ghi chép lại bằng tay trong quyển sổ lớn những bản thảo của mình. Trong căn phòng khoảng gần 4m2 tại đường Đặng Huy Trứ, với laptop, với máy in, với cây bút và quyển sổ quen thuộc, trừ những lúc nghỉ ngơi hay gặp gỡ bạn bè, ông vẫn không ngừng làm bạn với những trang viết.
Chia sẻ về những dự định đang ấp ủ, ông Nguyễn Ngọc Trai cho biết, ông sẽ tiếp tục viết và in sách kèm theo ảnh về cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ trên mảnh đất Quảng Bình. Đồng thời, sẽ thực hiện một thư viện như một bảo tàng nhỏ tại ngôi nhà của mình ở Đồng Hới, Quảng Bình.
Với nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Trai, Huế cũng như quê hương Quảng Bình, trước đây cùng chung một tỉnh Bình Trị Thiên, cùng có những địa danh, con người và nét văn hóa độc đáo. Cuộc sống hiền hòa ở Huế giúp cho ông có thêm nhiều sức khỏe, để tiếp tục sáng tác thơ và nghiên cứu, để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đời.
Bài, ảnh: Nguyên Bích