Người phụ nữ mặc bộ đồ màu hồng của bệnh viện, dáng yếu ớt, ủ rũ. Cô ngồi xuống chiếc ghế còn trống nơi hành lang chờ tới lượt chụp CT, miệng không ngừng thở dốc. Người phụ nữ ngồi cạnh chị nhích ra, để chị ngồi được thoải mái hơn. Tôi lắng nghe hai người họ thỏ thẻ nói chuyện. “Chị đau gì?”. “Ung thư vú”. “Phát hiện lâu chưa?”. “Mới hai tháng trước”. “Cố gắng nhé. Tinh thần quan trọng lắm. Mình có vui mới khỏe được. Cứ lạc quan lên, đừng suy nghĩ nhiều, bệnh mới chóng lành”.
Bác sĩ gọi tên, người phụ nữ bị ung thư vú đứng dậy nhấc từng bước chân mệt nhọc vào phòng chụp CT. Tôi hỏi người phụ nữ ngồi cạnh mình: “Chị quen chị ấy hả?”. “Đâu có, vừa mới gặp luôn, nhưng thấy cô ấy ủ rũ quá nên động viên vài câu. Ngồi ở đây, đa số ai cũng bệnh nặng cả”. Chị nói bằng chất giọng Quảng nằng nặng mà nghe chừng rất hiền. Chị nói, 7 tháng trước chị biết mình bị ung thư phổi, bệnh đã trở nặng, chuyển sang giai đoạn 4. “Cái bệnh chi mà ngược ngạo ghê. Chữa hết tiền hết bạc mà bệnh vẫn không hết. Trong nhà có cái chi cũng bán hết, cuối cùng chẳng để lại được gì cho con cái”. Chị nói về căn bệnh mình gặp phải rồi cười, nhưng đôi mắt buồn hiu.
Dì ngồi cạnh tôi tên An, cũng nói mình bị ung thư phổi. Đã bị bệnh 6 năm. Chị nghe thế liền suýt xoa với tôi: “Té bệnh ni cũng sống lâu ghê hè”. Giọng chị nghe chừng cũng hớn hở theo lời dì An kể. Dì nói, hồi đầu nghe tin bị ung thư phổi, năm đó dì mới 59 tuổi. Lúc tới bệnh viện để chuẩn bị truyền hóa chất, dì và con trai cứ ôm nhau khóc mãi ngoài cổng. Cú sốc bệnh tật, thời gian đầu khó mà vượt qua được. “Nhưng lâu dần, cũng quen hết. Giờ tui phát bệnh lại, nên cũng ít sợ và ít lo hơn nhiều. Mấy cô cũng cố gắng lên nhé. Ăn uống, ngủ nghỉ và vui vẻ, tinh thần mình tốt, dễ lấn lướt được bệnh tật lắm”.
Trước khi vào CT, phải uống thật nhiều nước. Thực ra bác sĩ chỉ yêu cầu bệnh nhân uống nước sau khi được gọi tên để vào phòng chụp CT, nhưng cả tôi và nhiều người khác đều không biết, người này cứ nghe người kia bảo uống nhiều nước mới chụp CT được, vậy là hè nhau uống. Tôi là người trẻ nhất trong nhóm mấy người bệnh đang ngồi chờ CT, nên xung phong đi lấy nước giúp mọi người, khi thấy người nào cũng cầm trên tay một chai nước rỗng không.
Đi một vòng qua dãy hành lang tít bên cạnh lấy đầy mấy chai nước về chia cho mọi người, tôi cũng kể mình bị ung thư buồng trứng, đã 6 năm, giờ có khả tái phát, đang làm các xét nghiệm và chờ kết quả cuối cùng mới biết được. Chị Chi (tôi đọc được tên chị do nhìn tờ giấy chị cầm trên tay) nói mình cũng bị bệnh như tôi, nhưng đã di căn. Bệnh âm thầm tiến triển trong cơ thể, không hề có một dấu hiệu nào.
Cho đến một ngày chị thấy tức ngực, khó thở, buồn nôn, đi khám thì bệnh đã di căn qua xương. Chị có ba đứa con, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Đợt vô hóa chất vừa rồi, khiến tóc chị rụng sạch, nên lúc nào cũng đội chiếc mũ màu đen lụp xụp trên đầu. Chị hỏi tôi chưa vô hóa chất phải không? Tôi gật đầu. Chị cười, nói hèn gì tóc vẫn còn xanh mướt. “Hồi trước tóc mình cũng dài và mượt như thế”. Chị với tay, vuốt nhẹ mái tóc tôi. “Mong kết quả của em đều tốt nhé”. Chị gửi tôi lời chúc may mắn. Cả người phụ nữ nói giọng Quảng cũng cười động viên, bảo tôi nhất định may mắn. Tôi nhớ mình đã rơm rớm nước mắt, khi nghe lời động viên của những người xa lạ mới gặp lần đầu nơi hành lang bệnh viện. Sao mà thân thương quá đỗi.
Trên đường chạy xe về nhà, tôi như còn nghe vẳng bên tai lời dì An đã nói: “Dì về nhà sẽ cầu nguyện cho con, để con được bình an”. Lời động viên, chia sẻ từ một người mới quen, vậy mà khiến lòng tôi ấm áp mãi suốt một buổi chiều mệt nhoài nơi bệnh viện.
NGUYỆT MINH