Vững chãi với sóng, nước, thủy triều. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quê hương đầm phá
Ngay từ khi còn là một cậu bé, cuộc sống của Lê Anh Tài đã gắn bó với vùng núi non, sông đầm. Cùng với niềm đam mê mỹ thuật, những hình ảnh chân thực nhất của quê hương Lộc Điền với cây cối, sông nước, núi rừng đến nhà cửa…đều được Tài mang vào tranh vẽ.
Chọn trường ĐH (ĐH) Khoa học, ĐH Huế để gửi gắm ước mơ, Lê Anh Tài trở thành Á khoa đầu vào của Khoa Kiến trúc khóa K39. Nhưng cũng chính tại đây, Anh Tài đã lựa chọn, dũng cảm đưa ra một trong những quyết định khó khăn nhất của cuộc đời mình.
Sau 6 tháng theo học tại Trường ĐH Khoa học, Lê Anh Tài quyết định thi lại vào Trường ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Chàng trai sinh năm 1997 nói: “Với mình, cả hai ngôi trường đều là nơi có môi trường học tập tốt. Nhưng mình muốn thách thức bản thân nhiều hơn, tạo thêm cơ hội để được trải nghiệm, học hỏi. Từ quyết định này, mình đã rất may mắn khi vừa được học tập tại Trường ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, vừa luôn luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ thầy cô, bạn bè Trường ĐH Khoa học Huế, nơi đầu tiên mình gửi gắm ước mơ”.
Không ngừng cháy hết mình với đam mê, từ năm 2016 đến nay, Lê Anh Tài đã liên tục gặt hái nhiều giải thưởng, đánh dấu cho những nỗ lực vượt bậc của mình. Năm 2019, Lê Anh Tài đạt giải nhất Việt Nam và top 8 quốc tế Cuộc thi Tài năng Sinh viên Kiến trúc châu Á. Năm 2020, Tài góp mặt trong Top 20 (Việt Nam) cuộc thi Thiết kế bệnh viện dã chiến.
Những thành công
Năm 2021, vượt qua những nhóm sinh viên tài năng đến từ 21 quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Lê Anh Tài cùng đồng sự Võ Đông Như đã xuất sắc giành giải Vàng tại cuộc thi Thiết kế Kiến trúc dành cho Sinh viên ARCASIA 2021 với đề tài “On the floating leaves” (tạm dịch trên những chiếc lá trôi).
Lê Anh Tài chia sẻ: “Thiết kế của nhóm lấy cảm hứng từ truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Trong truyện, nhân vật Dế Mèn đi khắp nơi cùng người bạn trên chiếc thuyền bằng bèo tự do, trôi nổi như tính chất văn hóa của chợ nổi miền Tây. Bởi thế, với chúng mình, thiết kế này không chỉ là một công trình kiến trúc, nó còn mang trong mình dấu ấn đậm nét, đặc trưng của một vùng đất, văn hóa và con người”.
Cũng là sự quyện hòa giàu nghệ thuật giữa kiến trúc, con người và cảnh quan, mới đây, đề tài tốt nghiệp kiến trúc “Trung tâm sinh hoạt văn hóa phá Tam Giang” của Lê Anh Tài đã góp mặt trong top 50 sinh viên có đề tài tốt nghiệp xuất sắc thế giới từ giải thưởng uy tín về lĩnh vực thiết kế kiến trúc – Tamayouz Award 2022.
Không chỉ mang ý nghĩa biểu trưng cho một vùng đất, sản phẩm này còn là sự góp nhặt của ký ức, của tuổi thơ tươi đẹp từ Lộc Điền, vùng quê ươm dưỡng giấc mơ kiến trúc sư thuở Lê Anh Tài vẫn còn là cậu học trò nhỏ. Lê Anh Tài bộc bạch: “Hình ảnh của phá Tam Giang – đầm Cầu Hai, sự yên bình, thơ mộng của quê hương xứ Huế luôn là liều thuốc quý, xoa dịu mình sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Nhưng xứ núi non sông đầm đẹp đến nao lòng không chỉ mang vẻ đẹp bình yên. Ẩn sâu trong không gian bao la của núi, của nước, nơi đây còn là chốn mưu sinh của những ngư dân vất vả với nghề chài lưới lênh đênh theo tăm cá”.
“Bởi thế, mình khao khát được đóng góp, được mang công sức gửi gắm cho quê hương, làm sao để tạo nên một công trình gắn kết được con người với con người, con người với thiên nhiên sông đầm nhiều nhất có thể, tôn trọng thiên nhiên tuyệt đối. Đó chính là sự khởi nguồn, khai sinh để “Trung tâm sinh hoạt văn hóa phá Tam Giang” ra đời”, chàng kiến trúc sư trẻ nói.
Giấc mơ có thật
Công trình do Lê Anh Tài thiết kế bao gồm các không gian trưng bày, triển lãm hệ sinh thái phá Tam Giang kết hợp không gian giáo dục nhằm giúp cho người dân bản địa và khách du lịch hiểu được cách bảo vệ thiên nhiên. Các khối chính trong công trình được xếp thuận theo trục địa hình sẵn có, điều này giúp công trình tồn tại như một phần của thiên nhiên.
Về phần kết cấu chịu lực, “Trung tâm sinh hoạt văn hóa phá Tam Giang” được bao bọc bởi một mái lưới lớn, đảm bảo các khối nhỏ bên dưới được bảo vệ trước những hình thái thời tiết cực đoan ở Huế. “Ngoài ra, hệ thống lưới này được đan xen bằng những thanh gỗ bạch đàn (là vật liệu bản địa tại địa phương) lấy cảm hứng từ mây tre đan truyền thống, điều này đảm bảo rằng sau mỗi đợt bão lũ, người dân bản địa có thể dễ dàng sửa chữa những vị trí bị hư hỏng”, Lê Anh Tài phân tích.
Điểm độc đáo nhất của công trình này, đó là các tấm sàn được sắp xếp xen kẽ gợi lại khung cảnh chợ nổi vốn có của ngư dân vùng đầm phá. Một số tầng được thiết kế với độ cao thấp khác nhau, cho phép nước tiếp cận tòa nhà một cách tự nhiên khi thủy triều lên. Từ đó, theo dòng nước, ngư dân có thể dễ dàng tiếp cận công trình, giúp làm mờ ranh giới giữa một công trình công cộng lớn và người dân địa phương.
Không chỉ xuất sắc lọt top 50 và vẫn đang tiếp tục được ban tổ chức giải thưởng Tamayouz Award 2022 xét giải, với đề tài tốt nghiệp kiến trúc “Trung tâm sinh hoạt văn hóa phá Tam Giang”, Lê Anh Tài đã tốt nghiệp thủ khoa và trở thành giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Kiến trúc TP. HCM. Tài cho biết: “Mình rất hạnh phúc vì được tin tưởng, trao cơ hội truyền lửa nghề cho các thế hệ kiến trúc sư tương lai. Trong tương lai, mình sẽ tiếp tục nỗ lực, tìm kiếm thêm cơ hội học tập và trau dồi kiến thức để có thể cống hiến hết mình với niềm đam mê kiến trúc”.
Mai Huế