Khúc bi hùng ở Hà Trữ – kỳ 2: Cần công nhận di tích lịch sử

– Trên đường đưa về nơi giam giữ, tôi thấy số người bị giết quá nhiều. Xác nằm la liệt, trải dài từ bờ kênh vào tận làng, trong đó có đồng đội của tôi là anh Dẫn!

Đêm hôm đó chúng tôi bị đem giam trong một sân rất rộng, số bị thương chừng 30 người nằm bên trong; số không bị thương nằm ngoài chừng hơn 70 người.

Ông Hồ Đắc Lợi – Nguyên cán bộ An ninh Phú Vang

Tôi ở Phú Vang nên không biết họ là ai, cơ quan, đơn vị nào. Tôi tin, số bị bắt nay còn sống khá nhiều.

Sáng hôm sau, chúng dẫn chúng tôi đi, được một đoạn mấy tên lính đi đầu vấp mìn bị thương hoặc chết không rõ. Nghe trình báo, viên chỉ huy rút súng chĩa vào chúng tôi và ra lệnh: “Đứa nào đi được thì cho đi, không đi được tao bắn bỏ”.

Nghe thế, viên quân y năn nỉ, can ngăn; có thể nhờ thế mà chúng tôi thoát chết.

*

Khi địch truy sát giết hại ở Hà Trữ, ông Trần Văn Cận là Ủy viên thường trực UBNDCM xã Vinh Thái (sau giải phóng là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Vang).

Ông Cận cho biết, hôm đó ông và đội du kích ẩn nấp ở làng Thanh Lam Bồ, nghe tiếng máy bay và súng đạn nổ dữ dội họ mới đội hầm nhìn sang.

Vì ở xa nên chỉ thấy hàng trăm người mặc thường phục chạy tán loạn ra hướng kênh Hà Trữ.

Cũng cần biết thêm, trong chiến tranh làng Hà Trữ nằm trong hệ thống đường dây của cách mạng. Ngoài tuyến vượt qua bắc Truồi, từ Phú Vang muốn lên chiến khu phải đi Hà Trữ để đến làng Kênh Tắc. Từ Kênh Tắc muốn lên chiến khu phải vượt qua Quốc lộ I của làng Nong và Phú Bài, lúc này đều do huyện Hương Thủy, trực thuộc Thành ủy Huế quản lý.

Chính vì vậy mà khi xảy ra sự kiện hàng trăm người bị sát hại ở Hà Trữ, anh em Vinh Thái không nắm rõ.

Riêng cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Vang có ghi như sau:

– Tháng 3/1968, Mỹ – ngụy càn quyét vào các xã Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân, Phú Đa, Vinh Phú, Vinh Thái, đốt cháy nhiều nhà dân. Trận tập kích của máy bay Mỹ ở Hà Trữ giết chết hơn 70 cán bộ, học sinh, sinh viên từ thành phố Huế về.

Mấy ngày sau, đợi địch rút, theo lời của ông Trần Văn Cân, Xã đội Vinh Thái do ông Nguyễn Sính chỉ huy có điều động du kích và vận động Nhân dân nhặt xác, đào hố đem chôn.

*

Vậy mà không ngờ, thời gian sau, cái gọi là “Ủy ban Truy tìm và Cải táng nạn nhân Cộng sản tết Mậu Thân” đã huy động lực lượng về Hà Trữ – Vinh Thái – Phú Thứ khai quật những hố chôn tập thể ấy, nhặt xương cốt của họ rồi đưa lên trường La San dựng chuyện, vu vạ “Cộng sản tàn sát dã man dân lành”!

Bỉ ổi nhất là mỗi khi có phóng viên phát thanh, truyền hình, báo chí xuất hiện để ghi âm, chụp ảnh, quay phim, những người được thuê từ Huế về đã cải trang thành thân nhân của những người mất tích và theo “đạo diễn” của Tiểu đoàn 10 chiến tranh chính trị những người “than vay khóc mướn” này lại có dịp diễn trò nhằm gieo rắc hận thù và gây chia rẽ.

Trên thực tế là mãi cho đến nay không ai biết rõ cuộc thảm sát ở Hà Trữ có bao nhiêu người bị giết và bao nhiêu người bị bắt, tra tấn, tù đày. Xương cốt của những người bị sát hại hôm đó đã nhặt hết hay chưa?

Nhiều gia đình, dù biết rõ thân nhân mình tham gia cách mạng nhưng để tránh đòn thù đã khai khống chồng, con họ bị Việt Cộng bắt; thậm chí có người thoát ly tham gia cách mạng khi bị bắt (tôi biết rõ nhưng xin giấu tên) cũng khai như vậy để tránh nhục hình.

Ngoài nỗi đau xót vì mất người thân, đồng chí, đồng đội, những người tham gia kháng chiến trước đây còn mang một nỗi đau khác, đó là sự vu oan giáo họa về cái gọi là “thảm sát Mậu Thân”, một trong những góc khuất và vô cùng “nhạy cảm”của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta trong những năm chống Mỹ, cứu nước.

Tôi tin, sau khi xuất hiện bài báo này sẽ có nhiều nhân chứng tiếp tục lên tiếng.

Chỉ có những người trong cuộc mới giãi bày chi tiết những điều mà họ đã nếm trải.

Khi chuyện trò với ông Ngô Tài Nhiên, Chủ tịch Hội tù yêu nước Thừa Thiên Huế, ông cho biết, sau giải phóng ông đã cùng Bí thư Thành ủy Huế Hoàng Lanh có về thăm Hà Trữ và đề nghị với địa phương lập ở đây chiếc miếu thờ đồng bào, đồng chí của mình.

Nhân kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân – 1968, chúng tôi đã trở về Hà Trữ. Các cựu tù vui mừng vì thấy nông thôn xã mới Phú Gia khởi sắc. Nhà cửa, đường sá, khang trang. Con kênh Hà Trữ năm nào đã được nâng cấp. Xe máy, ô tô về đến được.

Mong muốn duy nhất của họ là Nhà nước sớm lập hồ sơ di tích lịch sử. Cùng với miếu thờ những người đã khuất, họ đề nghị Nhà nước nên nghiên cứu dựng ở đây một tấm bia nhằm nhắc nhớ lớp người hôm nay và mai sau rằng, chỉ trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng hồ mà đã có hàng trăm người bị sát hại.

Có hiểu sự tàn nhẫn của chiến tranh mới yêu quý và trân trọng giá trị của hòa bình!

Bài, ảnh: PHẠM HỮU THU

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Mới nghĩ thôi đã thấy xa lạ…

Hội lớp 12Đ Quốc Học Huế, NK 1982-1985 đã tổ chức lần đầu sau 25 …