Thùng rác theo quy chuẩn đặt ở công cộng. Ảnh: MC
Nhiều người vẫn mơ hồ
Đầu tháng 9, TP. Huế triển khai chương trình PLRTN trên địa bàn thông qua dự án (DA) “Huế – Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tài trợ. Đây được xem như làn gió mới để người dân nâng cao nhận thức trách nhiệm về giữ gìn môi trường, giảm tải cho việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở địa phương.
Trước, trong thời điểm triển khai PLRTN đến nay, các ban, ngành chức năng, đoàn, hội địa phương đã phối hợp đẩy mạnh chiến dịch truyền thông đến các khu dân cư, người dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc PLRTN. Bằng nhiều hình thức, nhiều phường, xã đã tổ chức hội nghị, hội thảo trao đổi tư vấn; có địa phương đã triển khai ngày hội, hội thi PLRTN với đông đảo người dân tham gia.
Hiện nay ở TP. Huế đã xuất hiện các mô hình tổ, nhóm tình nguyện PLRTN, tổ hợp tác nghề ve chai – thu gom phế liệu và tổ chức nhiều chương trình “Đổi rác lấy quà”, “Ngày hội tái chế”… Một số trường học lại khảo nghiệm những tiết học về PLRTN cho học sinh… đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân tạo thêm thói quen về phân loại rác.
Cùng với hoạt động truyền thông, TP. Huế đã lắp đặt 468 thùng PLRTN tại 156 điểm công cộng ở 23 phường, xã. Theo đó, con đường phân loại rác được định hình từ hộ gia đình đến điểm đặt thùng rác để phân loại thành 3 nhóm, gồm: nhóm chất thải nguy hại; nhóm chất thải tái chế, tái sử dụng (rác thủy tinh và các loại rác tái chế còn lại) và nhóm chất thải còn lại…
Sự đầu tư hệ thống thùng rác đủ tiêu chuẩn để thực hiện việc PLRTN đã triển khai, nhưng qua theo dõi số lượng rác thải thu gom được từ các thùng này hiện nay vẫn rất “khiêm tốn”.
Mới đây, chúng tôi cùng cán bộ DA “Huế – Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” có cuộc tham vấn khi chọn ngẫu nhiên một số người dân (gồm sinh viên, tiểu thương, lái xe… ) đề cập đến việc PLRTN, đại loại như: Bạn có biết TP. Huế đang triển khai việc PLRTN?; Bạn hiểu như thế nào về PLRTN?; Thùng rác nào chứa rác nguy hại?… thì nhận kết quả hơn 50% trong số này vẫn mơ hồ, lúng túng.
Chị Nguyễn Thanh T. (An Cựu, TP. Huế) cho biết, thời gian gần đây chị có nghe nhiều đến việc sẽ triển khai việc phân loại rác. Nghe thì nghe vậy, nhưng quả thực chị cũng rất mù mờ về việc phân loại rác sao cho đúng. Thế nào là rác hữu cơ, rác vô cơ hay rác tái chế chị chưa phân biệt chính xác.
Cán bộ hội đoàn phường Hương Sơ, TP. Huế vận động tuyên truyền người dân PLRTN
Phân loại rác cũng là văn hóa
Nhiều người phấn khích khi nghe TP. Huế triển khai PLRTN bởi đây là chủ trương đúng, một việc làm hay – như một mũi tên bắn trúng nhiều đích. Thực hiện PLRTN tốt, sẽ giúp thành phố tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên và ngân sách. Đồng thời, giúp cho việc thu hồi, tái sử dụng và tái chế rác thải hiệu quả hơn. Chương trình PLRTN nếu thực hiện thành công sẽ tái chế được 60% tổng lượng rác thải. Điều này sẽ giảm đáng kể áp lực về diện tích đất để chôn lấp, giảm ngân sách xử lý rác thải, giảm nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường do các bãi chôn lấp rác thải.
Một cán bộ điều phối DA “Huế – Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” chia sẻ, PLRTN là chuyện không còn mới. Việc PLRTN hiện nay trở thành “văn hóa” ăn sâu vào nếp sống của người dân tại một số nước. Điển hình trong số đó là Na Uy với 97% chai nhựa được tái chế. Việc bố trí các máy thu gom tự động và áp dụng phương pháp “đặt cọc tiền” đã khuyến khích người dân thu gom, đem đổi các sản phẩm nhựa để nhận lại tiền hoặc tích điểm cho lần mua sắm tiếp theo… Nhật Bản – nổi tiếng với văn hóa “gói quà” – sử dụng bao bì quá mức cần thiết, nhưng chỉ có khoảng 1% rác thải bị thải ra môi trường nhờ thực hiện việc tái sử dụng tối đa và phân loại nghiêm ngặt trước khi đem thiêu hủy bằng công nghệ hiện đại…
Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Tại Thừa Thiên Huế, mỗi ngày phát sinh lên hơn 550 tấn rác thải, trong đó, TP. Huế không dưới 350 tấn/ngày, nhưng việc PLRTN và tái chế rất hạn chế. Con số này đáng để chúng ta suy ngẫm.
Theo các chuyên gia môi trường, để PLRTN đi vào thực tiễn thì không nên xem đó là một phong trào hay dừng lại một thời điểm. Ở TP. Huế và một số địa bàn ở huyện, thị xã từng triển khai PLRTN nhưng rồi chỉ “đá ném ao bèo”.
Hy vọng DA “Huế – Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” đang đồng hành ở TP. Huế, bên cạnh việc đầu hạ tầng thu gom, xử lý, các cấp, ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thu hút hơn, thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng phong phú trực quan, phù hợp thực tế từng đối tượng.
Bài, ảnh: Song Văn