“Hồi teen” cùng con

Cán bộ dân số truyền thông về sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên

Không nản

Tuy đã chuẩn bị tinh thần khá kỹ, nhưng vợ chồng chị Trần Thị Hoan (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) vẫn rất bối rối với những thay đổi của cậu con 12 tuổi. Ngay từ khi nhận thấy cậu con vỡ giọng, hai vợ chồng đã nhắc nhau bình tĩnh và dịu dàng với con trong mọi tình huống. Anh chị cũng ngầm báo với nội ngoại hai bên để mọi người cùng hợp tác trước những thay đổi của con. Vốn không nuôi dạy con theo kiểu mượn đòn roi, nhưng nhiều khi chị bức bối như muốn “nổi điên” trước con, đã nghĩ đến đòn roi cho hả cơn giận. Cuối cùng, đòn roi chưa đụng đến, nhưng con thì vùng vằng theo kiểu nghĩ của con, mẹ ngồi khóc như một đứa trẻ vì nghĩ mình bất lực trước con.

“Nhiều lúc con cư xử như một con người hoàn toàn khác. Chỉ trả lời “có” hoặc “không” cho những câu hỏi của mẹ. Con không còn dễ cười nói vui vẻ. Lại lầm lì khó chịu, khó gần và chỉ muốn tách riêng mình trong phòng hoặc ở trong bóng tối nếu có việc gì không vừa ý. Thậm chí, áo quần thường ngày cũng chỉ thích màu đen và tuyệt nhiên chỉ mặc áo quần do mình chọn mua”, chị Hoan chia sẻ về cậu con. Thời gian ấy kéo dài hơn một năm, đến nay cu cậu như đã vượt ải ở những điểm khó nhất, vì đã bắt đầu cởi mở nhiều hơn với ba mẹ.

Cũng đồng hành cùng con những ngày đổi thay cả tâm và sinh lý tuổi dậy thì, nhưng chị Khánh Huyền (An Cựu, TP. Huế) hầu như không nói chuyện được với cô con gái nhỏ. Yêu con là vậy, nhưng cứ hễ mẹ nói câu trước, đến câu sau là con nhăn nhó, hoặc con mới nói xong câu trước thì câu sau mẹ đã kịp nói tiếng to át đi rồi. Biết kỹ năng chia sẻ của mình hạn chế và khó khắc phục, chị Huyền thường nhờ đến cô em gái – một cô giáo dạy văn, giúp mình chia sẻ và nắm bắt tâm tư của con. Qua người quen giới thiệu, chị cũng đăng ký cho con gái theo học một lớp kỹ năng về giới tính. Khi được cô giáo giới thiệu về chủ đề các bài học, chị càng quyết tâm đăng ký cho con theo hơn. Kết quả cuối cùng hơn cả mong đợi khi cô con gái nhỏ không chỉ được hiểu thêm về kiến thức giới tính để tự bảo vệ bản thân, mà cô bé còn mạnh dạn hơn rất nhiều khi nói với mẹ về những chủ đề tế nhị ấy.

Làm bạn cùng con

Là một cô giáo mầm mon, chị Hoàng Thị Hà (Phú Bài, Hương Thủy) có rất nhiều kinh nghiệm để ứng phó với nhiều kiểu cảm xúc của trẻ. Vậy mà trước cậu con trai 15 tuổi lầm lì của mình, chị không ít lần gần như phải buông xuôi. Nhưng mỗi lần như vậy, chị đều vô cùng dằn vặt và không cam tâm. Một ngày, vì không kìm chế được cơn giận, chồng chị đã đánh vào chân con 2 roi đau điếng. Nhìn con lầm lì không khóc nhưng nhảy tâng tâng như đỉa phải vôi, chị đau như có muối chà xát trong ruột, rồi tự dặn mình phải “tiếp cận” con bằng cách khác.

Nghĩ là quyết tâm. Chị Hà rất chịu khó lên mạng tìm đọc những bài tư vấn của các chuyên gia tâm lý dành cho bố mẹ có con tuổi dậy thì ương bướng. Không phải dễ để áp dụng được ngay với con, nhưng với chị thì động lực phải kiên nhẫn với con nhân lên bội phần. Chị hiểu con mình không phải là ngoại lệ. Hơn nữa, con vẫn chưa bị cuốn vào kiểu thích thể hiện mình đã lớn theo kiểu lén lút rủ nhau đi chơi xa, giờ giấc đi về đảo lộn, đua đòi tập tành hút thuốc… Đó chính là cơ hội để chị vẫn cùng con giai đoạn này một cách êm ấm nhất có thể.

“Vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa bản năng làm mẹ, mình hầu như không đối đầu hay áp đặt với con nữa. Hằng ngày, dù không vừa ý mình vẫn giữ giọng nói thấp nhất có thể với con, không nhấn và không dùng câu mệnh lệnh. Con không hợp tác ngay đâu, mà như có đề phòng vậy. Nhưng nhiều khi gọi con lại gần chỉ để được xin ôm con cái, hay hỏi thăm những cái mụn mới trên mặt con. Dần dần, mình nhận ra ánh mắt con nhìn mẹ dịu hơn, hoặc ít ra dễ miễn cưỡng làm nhiều việc theo ý mẹ hơn”, chị Hà kể về cậu con trai ương bướng nhưng ấm áp của mình.

Trẻ bước vào giai đoạn dậy thì thường có tâm sinh lý thay đổi phức tạp, buồn vui thất thường và thích khẳng định bản thân. Hầu hết xung đột giữa cha mẹ và trẻ ở tuổi này là do cha mẹ chưa hiểu hết những diễn biến tâm lý trong con. Vì lẽ đó, để giúp con dậy thì an toàn các chuyên gia tâm lý gợi ý cha mẹ cần phải học cách hiểu con, gần con và làm bạn cùng con. Con có thể phạm sai lầm, nếu đó là sai lầm nhỏ. Hãy bỏ qua và giúp con tự rút kinh nghiệm từ những sai lầm đó. Quan trọng là hãy cho con biết, cha mẹ gần bên và luôn hiện diện khi con cần.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …