Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chụp hình lưu niệm với các đại biểu tham dự hội nghị
Nỗi đau còn đó
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã đi qua gần 1/2 thế kỷ. Nhưng đằng sau cuộc chiến ác liệt kéo dài mấy chục năm ấy, còn có một cuộc chiến tàn khốc khác ở hiện tại và còn đeo đẳng đến thế hệ thứ 3, thứ 4 của những người lính năm xưa. Nỗi đau từ những di chứng này đang đè nặng cho hơn 3 triệu nạn nhân và hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm qua nhiều thế hệ. Riêng Thừa Thiên Huế, có hơn 17.700 người bị phơi nhiễm, trong đó có 2.021 nạn nhân còn sống đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Với 19.905 phi vụ phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học rải xuống 26.000 thôn, bản trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho diện tích trên 3,06 triệu ha. Không chỉ hủy diệt nghiêm trọng môi trường sống, những chất độc hóa học đó còn để lại cho con người hậu quả hết sức nặng nề. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, CĐDC/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể con người, di truyền đến thế hệ thứ 2, thứ 3 và hiện nay đã xuất hiện trên thế hệ thứ 4.
Nỗi đau này đến với từng nạn nhân, từng gia đình không giống nhau. Có gia đình hai vợ chồng chỉ sinh được một cô con gái duy nhất. Tuy có chút bất thường về trí tuệ, nhưng người con gái vẫn lấy được chồng và sinh được một bé trai. Đau đớn thay, bé trai lại bị phơi nhiễm chất độc da cam. Để rồi, 19 tuổi, cậu trai ấy không phải là một thanh niên mạnh khỏe, rạng rỡ mà chỉ nằm liệt một chỗ, tay chân co cứng và nặng khoảng 10kg. Lại có gia đình khác, hai vợ chồng sinh được 3 người. Trong khi 2 người con gái vẫn bình thường, thì cậu con trai 37 tuổi lại chỉ nặng 15kg. Không những vậy, chân tay anh còn co quắp, mắt mờ, tai điếc, đầu vẹo qua một bên và ko cử động được. Bao nhiêu năm anh sống trên đời, là bấy nhiêu ngày anh “4 tại chỗ” và cũng là bấy nhiêu nỗi vất vả chồng chất mà ba mẹ anh phải chịu đựng nhưng vẫn kiên cường vượt qua để yêu thương, chăm sóc anh.
“Còn rất nhiều hoàn cảnh đau lòng, thương tâm khác mà chúng ta không thể nào kể ra hết được. Nỗi đau thầm lặng của những người làm ông, làm bà, làm cha, làm mẹ ấy, chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu được. Nhiều người ngay bản thân mình cũng đang phải chịu đựng những cơn đau thân thể, nhưng vẫn phải gồng mình để chăm nuôi con, cháu bị tật nguyền do di chứng da cam”, ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh ngậm ngùi.
Ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao tặng giấy khen cho gương điển hình
Không buông xuôi số phận
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau bệnh tật đã khiến cho những người là nạn nhân CĐDC vẫn triền miên khó khăn, nghèo đói do hao tổn sức lao động nghiêm trọng. Họ là “những người đau khổ nhất trong những người đau khổ, những người nghèo nhất trong những người nghèo”. Tuy vậy, rất nhiều nạn nhân trong số đó đã không cam chịu với cuộc sống bế tắc hiện tại. Họ vượt qua nỗi đau của chính mình, chăm sóc người thân, gia đình và hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Với ý chí không buông xuôi số phận, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp, các nhà hảo tâm, các gia đình nạn nhân CĐDC đã không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Họ tự mình xoay xở với những sinh hoạt đời thường, cùng với người thân, làm nương, làm rẫy, tích lũy tiền kinh doanh nhỏ, vay vốn chăn nuôi gia cầm, gia súc, hay trồng cây gây dựng vườn nhà để ổn định thu nhập. Những con người nghị lực ấy xuất hiện ngày càng nhiều và tiêu biểu là 60 gương điển hình được Tỉnh hội Nạn nhân CĐDC/dioxin khen thưởng trong dịp này. Ông Nguyễn Ngọc Chung, Chủ tịch Hội nhấn mạnh: “Đây là những gương điển hình nhất trong những người điển hình. Không may rơi vào hoàn cảnh đó nhưng họ luôn cố gắng vượt qua cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, cố gắng hết sức để cuộc sống của mình và gia đình ngày càng được cải thiện ngoài phần trợ cấp hàng tháng của Nhà nước”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Phan Ngọc Thọ đã thay mặt lãnh đạo tỉnh chia vui với 60 tấm gương điển hình, vượt khó được khen thưởng dịp này. Theo ông Phan Ngọc Thọ, nỗi đau mà các nạn nhân CĐDC/dioxin phải trải qua là quá lớn, dù xã hội có hỗ trợ và bản thân mỗi nạn nhân có cố gắng như thế nào cũng không dễ vượt qua được. Do vậy, trách nhiệm bảo trợ, giúp các nạn nhân CĐDC/dioxin với bớt nỗi đau là trách nhiệm chung của toàn Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải thực hiện. Với tinh thần đó, Phó Bí thư Thường trực đề nghị các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin và Hội Chữ thập đỏ tiếp tục rà soát, bổ sung người là nạn nhân CĐDC/dioxin để quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, rà soát trong số các hộ nghèo, nếu có nạn nhân CĐDC/dioxin còn sống thì ưu tiên trong việc xóa nhà tạm và giải quyết các vấn đề an sinh khác. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Chữ thập đỏ cần phối hợp rà soát những nạn nhân CĐDC/dioxin còn có khả năng lao động để có giải pháp hỗ trợ vị trí việc làm phù hợp. Tất cả đều hướng đến mục tiêu duy nhất là làm sao để giúp được các nạn nhân CĐDC vơi bớt nỗi đau và vươn lên trong cuộc sống.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN