Ông Nguyễn Thanh Thơm thăm hỏi bà Lê Thị Vũ, hộ nghèo ở tổ 11, P. Thủy Phương
Hành động nhỏ, hiệu quả to
“Mỗi năm, tôi chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương; chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền tranh thủ sự lãnh, chỉ đạo; chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, tổ chức liên quan trong triển khai các kế hoạch đã đề ra và kiên trì thực hiện”, ông Thơm nói.
Nghe ông Thơm nói rất chung chung, nhưng qua tìm hiểu mới vỡ vạc, rằng ông Thơm không muốn nói nhiều về bản thân, bởi lẽ có những việc thuộc diện “không tên”, khó diễn đạt bằng lời…
Đơn cử trong việc cùng các cấp, các ngành triển khai tuyên truyền về thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi từ nếp sống nông thôn sang nếp sống văn minh đô thị đến người dân Thủy Phương. Ông Thơm nhận định, việc sẽ rất dễ nếu như chỉ đơn thuần tuyên truyền theo kiểu cầm văn bản lên đọc tại các cuộc họp dân phố, họp chi bộ… xong “ai về nhà nấy”. Nhưng ở chiều ngược lại, bản thân tôi nếu là người dân, nghe xong có khi chưa về đến nhà đã quên, vậy nên tính hiệu quả không cao.
Vậy, đâu là cách để công tác tuyên truyền đến được với mỗi một người dân và đem lại hiệu quả như mong muốn?
Là một xã thuần nông, sau khi lên phường, nếp sống đô thị những năm đầu vẫn còn xa lạ với đại bộ phận người dân Thủy Phương. Những thói quen như tham gia giao thông tùy tiện dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông; vứt rác, để gia súc, gia cầm phóng uế nơi công cộng; xem việc làm sạch đường làng ngõ xóm không phải là việc của mình; hiếu, hỷ tổ chức rình rang, kéo dài; ăn nhậu, hát hò gây mất trật tự, ảnh hưởng xung quanh… vẫn thường diễn ra.
Bản thân là người địa phương, ông Thơm hiểu rõ, những thói quen, hành vi ấy rất khó để thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng, cũng chính nhờ là người địa phương nên ông Thơm tận dụng “lợi thế” này. Cứ có thời gian, ông lại “đến tận ngõ, gõ tận nhà, gặp từng người” trò chuyện, phân tích “lợi – hại, đúng – sai”. Mà cách trò chuyện của ông Thơm cũng khác. Không “đao to búa lớn” cũng chẳng giáo điều, quan trọng, ông cứ rủ rỉ với từng người, như người thân trong gia đình.
“Mưa dầm thấm đất”, cách tuyên truyền của ông Thơm đã góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi, qua đó hình thành nếp sống văn minh đô thị ở Thủy Phương ngày càng rõ nét.
Bà Võ Thị Minh Hiếu (người dân tổ 11, P. Thủy Phương) đánh giá, từ khi chính quyền phát động phong trào “Chủ nhật xanh”, anh Thơm là một trong những nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động và xắn tay cùng làm với bà con. Sự xông xáo của anh Thơm chính là sợi dây gắn kết, giúp mọi người ý thức hơn, đồng thời tích cực tham gia vệ sinh môi trường, trồng hoa, trồng cây xanh, làm đẹp đường làng, ngõ xóm…
Vì lợi ích của người dân
Với vai trò Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Thủy Phương, ông Thơm cùng các thành viên Mặt trận chủ trì xây dựng nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư và được người dân đồng thuận, hưởng ứng, như các mô hình: Camera an ninh; điện chiếu sáng; tuyến đường “Xanh, sạch, đẹp, an toàn”; hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo; “Sạch ngõ – đẹp nhà”; “Hũ gạo tiết kiệm” hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng COVID-19; “Đi chợ giúp người dân”, “Tự quản tại chổ” trong khu cách ly, khu phong tỏa…
“Khi xây dựng các mô hình tự quản, điều quan trọng là mô hình đó có đáp ứng nhu cầu của người dân hay không; có đem lại lợi ích cho người dân, cộng đồng và xã hội hay không. Giải quyết được 2 câu hỏi này thì mô hình mới được người dân tự giác thực hiện và duy trì, nhân rộng”, ông Thơm đúc rút.
Từ nguồn hỗ trợ của cấp trên, các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm cùng khả năng vận động, “chèo lái” của ông Thơm, UBMTTQ Việt Nam phường Thủy Phương đã hỗ trợ xây dựng mới 9 ngôi nhà; sửa chữa 3 nhà đại đoàn kết, 6 nhà nhân ái với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng; vận động hơn 250 triệu đồng tiền mặt, 1 tỷ đồng vật phẩm, quà cho quỹ “Vì người nghèo”; kêu gọi, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai hơn 3 tỷ đồng; vận động tiền, nhu yếu phẩm hơn 500 triệu đồng hỗ trợ người dân ảnh hưởng COVID-19 và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch… Đáng chú ý, hiện, quỹ “Vì người nghèo” trở thành phong trào thường xuyên, góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn phường Thủy Phương.
“Tôi gần 80 tuổi, mẹ tôi đã hơn 100 tuổi. Trước đây, hai mẹ con nương tựa nhau trong ngôi nhà tạm bợ. Nhờ quan tâm của Mặt trận phường, của anh Thơm, ngoài thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ lương thực, thuốc men… vào mỗi dịp tết, ngày lễ trọng, hay những khi đau ốm. Hiện nay mẹ con tôi đã có được một căn nhà vững chãi”, cụ bà Nguyễn Thị Hồng (tổ 3, P. Thủy Phương) chia sẻ.
Tham gia công tác giám sát và phản biện xã hội, những kiến nghị, ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Thanh Thơm phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền địa phương thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Bản thân ông cũng có đề tài “Một số kinh nghiệm trong hoạt động của HĐND phường” được công nhận đề tài chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2018 và đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thủy Phương” được TX. Hương Thủy công nhận đề tài chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2021.
Trái ngọt từ những cống hiến của mình, tháng 11 tới, ông Nguyễn Thanh Thơm là 1 trong 5 cá nhân của Thừa Thiên Huế được Trung ương UBMTTQ Việt Nam tuyên dương, đồng thời, là điển hình duy nhất của tỉnh được đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen với nhiều đóng góp trong công tác mặt trận giai đoạn 2017-2022.
Bài, ảnh: Đoàn Đăng