Đó là doanh nhân Cecile Le Pham, Chủ tịch Hội đồng quản trị của một tập đoàn ngành may có nhà máy ở Huế, Đà Nẵng, và Quảng Nam. Tập đoàn của chị đồng thời là đối tác số một, bảo trợ ba trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, một trung tâm ở Đà Nẵng và 2 trung tâm ở Hậu Giang. Tôi chia sẻ niềm vui với chị khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định cấp phép hoạt động cho Bảo tàng mỹ thuật Cecile Le Pham (tại nhà số 53 đường Hàm Nghi, TP. Huế) bằng cuộc trao đổi dưới đây.
Doanh nhân Cecile Le Pham. Ảnh: TL
Là doanh nhân, điều gì thôi thúc chị vừa lo sản xuất – kinh doanh vừa làm văn hóa?
Từ hải ngoại trở về quê hương làm ăn tôi nghĩ trước hết, bằng nhiều cách, phải tự xác nhận mình là người Việt Nam. Vì thế, là doanh nhân tôi thấy rằng không chỉ lo kinh doanh mà phải có bổn phận với đất nước, và gắn bó với nơi mình làm ăn, sinh sống bằng cách của mình. Khi về Huế tôi được hiểu, được biết nhiều hơn về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các giá trị và bản sắc của văn hóa Huế. Từ đó tôi nghĩ, là doanh nhân đến Huế làm ăn cũng nên góp sức làm văn hóa trong điều kiện có thể.
Và, chị đã làm văn hóa theo cách của mình?
Tôi may mắn được đi làm việc và đi du lịch nhiều nước. Tôi có ước nguyện đem tinh hoa văn hóa bốn phương về Việt Nam và làm sao đó để nhiều người được biết, được thụ hưởng, đặc biệt là giới trẻ. Tôi rất thích chương trình “Du lịch qua màn ảnh nhỏ” trên VTV. Tôi nghĩ, các bộ sưu tập văn hóa bốn phương nếu được trưng bày trong một nhà bảo tàng sẽ phát huy tác dụng tốt, giúp cho những người không có điều kiện du lịch nước ngoài có những nơi để khám phá, để giao lưu văn hóa thông qua các tác phẩm nghệ thuật trưng bày, cùng với lời giới thiệu, thuyết minh hiện vật của nhân viên bảo tàng.
Hình như cứ thấy cổ vật đẹp, ưng ý là chị mua, không dựa theo một tiêu chí nào cả, cho nên hiện vật trong không gian này rất phong phú và đa dạng?
Đúng thế! Nhưng xin nói thêm là trong các bộ sưu tập của tôi có cả những tác phẩm được tặng từ những người bạn ở nước ngoài. Người ta yêu quý đất nước Việt Nam, và yêu quý cá nhân tôi, ủng hộ việc làm của tôi nên mới ký thác hiện vật cho tôi như là một sự “chọn mặt gửi vàng”.
Nhưng chính điều này đã khiến cho chị rất vất vả trong quá trình xác định niên đại, xác định nguồn gốc, giá trị của từng hiện vật, cũng như công việc phân loại tác phẩm, tổ chức trưng bày?
Đúng thế. Tôi đã mời khá nhiều chuyên gia về cổ vật, về mỹ thuật và bảo tàng giúp thẩm định các tác phẩm để phân loại và tổ chức trưng bày bước đầu. Nói bước đầu là vì công việc đang được tiếp tục khi hiện vật được bổ sung thêm và khi không gian trưng bày được mở rộng nếu chính quyền tỉnh, thành phố cho thuê ngôi nhà kiến trúc Pháp gắn liền với khu đất ở bên cạnh.
Doanh nghiệp ở bất cứ thời điểm nào cũng phải lo tích lũy vốn, huy động vốn, vay vốn ngân hàng, tất toán khi đến hạn, hoặc đáo hạn… có khi nào chị mua cổ vật bằng tiền vay ngân hàng?
Tôi không kinh doanh, mua bán cổ vật nên không thể sử dụng vốn vay. Vả lại tài sản nghệ thuật đưa vào bảo tàng là sở hữu cá nhân, không liên quan đến doanh nghiệp do tôi làm Chủ tịch.
Để có cơ sở may ở đường Phan Đình Phùng và khách sạn Cocodo ở đường Hàm Nghi chị đều phải thuê đất. Xác định làm bảo tàng không sinh lợi, liệu hoạt động kinh doanh ở Huế có nuôi dưỡng tốt bảo tàng hay không?
Dĩ nhiên là không thể. Nhưng tôi có thể điều tiết được nhờ nguồn thu nhập từ các cơ sở sản xuất kinh doanh đứng chân trên các địa bàn khác.
Nhọc nhằn, gian khó khi đưa tài sản nghệ thuật về Huế để làm bảo tàng, chị có được sự hỗ trợ từ phía chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế?
Hiện tại, tôi nhận được sự ủng hộ về chủ trương, được chính quyền cấp phép cho thành lập bảo tàng mỹ thuật. Tuy có chậm nhưng dù sao chặng đường dài cũng đã chạm đích. Tôi mong muốn được chính quyền tạo điều kiện, cho thuê ngôi nhà và khu đất ở bên cạnh, đang bỏ hoang, để mở rộng không gian trưng bày và bổ sung thêm nhiều hiện vật. Việc này không chỉ thuận lợi cho cá nhân tôi, mà sẽ có tác dụng khích lệ, cổ vũ những người khác mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa với những việc làm tương tự như tôi.
Theo chị, cái được của doanh nhân làm văn hóa là gì?
Tôi chỉ dám nói cảm nghĩ cá nhân của mình thôi. Tôi tự thấy mình vui và lạc quan hơn trong cuộc sống; pha lẫn niềm tự hào là ít nhiều đã “góp chút gì rất Huế” cho Huế. Quá trình hình thành bảo tàng này tôi có thêm nhiều người bạn tốt trong giới nghiên cứu văn hóa và văn nghệ sĩ. Có những người bạn thường xuyên dõi theo và chia sẻ công việc với tôi, tiếp sức cho tôi. Và biết đâu tôi sẽ là người “giàu vì bạn”! Chính anh từng nói là “trời không phụ công người, làm bảo tàng không chỉ thể hiện bản lĩnh văn hóa mà còn làm tăng uy tín của doanh nhân và tăng thêm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp”. Thú thực là điều này tôi chưa hề nghĩ tới, chỉ biết cắm cổ làm.
Sau thế hệ của chị thì bảo tàng này sẽ tồn tại như thế nào?
Các thành viên trong gia đình tôi đã thống nhất. Dù không phải người Huế nhưng tài sản văn hóa, nghệ thuật đã đưa vào bảo tàng thì sẽ để lại Huế. Ngoài các thành viên trong gia đình là chủ sở hữu tôi đã nghĩ tới việc xúc tiến thành lập một hội đồng quản trị bảo tàng, trong đó bao gồm một hội đồng nghệ thuật gồm những nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa có chuyên môn về bảo tàng. HĐQT và HĐNT sẽ định hướng và quyết định sự phát triển và phát huy giá trị của bảo tàng.
Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!
THANH TÙNG (Thực hiện)