Để con gái bạn được tỏa sáng

Cha mẹ hãy là những người đầu tiên hành động để bảo vệ trẻ em gái trong gia đình (ảnh minh họa). Ảnh: Tư liệu truyền thông

Thiệt thòi đủ đường

Chuyện kể về một bé gái tuổi 13, đẹp xinh như thiên thần, đôi mắt trong veo nhưng lại chỉ ngây thơ, hồn nhiên như đứa trẻ lên 2. Con bị ảnh hưởng bởi di chứng chất độc da cam từ ông nội và bố.

Tuổi 13, con mồ côi bố. Mẹ cũng bỏ đi vì không muốn suốt đời “nặng nợ” theo con. Con được ông bà nội và bác yêu thương, nuôi dưỡng. Con được người thân chăm sóc chu đáo, nhưng đến tuổi dậy thì gia đình đành phải đưa con đi phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật giúp con không còn kinh nguyệt, đỡ vất vả cho người chăm sóc và tránh việc con có thai nếu bị xâm hại. Khi vào phòng mổ, con sợ hãi níu lại không chịu đi. Nhưng khi được nhân viên phòng mổ dịu dàng dỗ dành, con lại nằm yên. Thương con quá đỗi…

Theo bác sĩ Thủy, những ca phẫu thuật như thế này được thực hiện vì để con được sống trong thế giới trong veo của con, có thể hưởng thụ khoái lạc ông trời ban tặng mà không bị săn đuổi, cấm đoán vì lo sợ để lại hậu quả. Chị gọi đó là cuộc phẫu thuật nhân đạo. Vậy nhưng nó vẫn khiến chị không dứt được cảm giác bất an. Sự trắc ẩn ấy lan qua nhiều người bố, người mẹ khác. Tôi cũng vậy, và cứ luôn tự hỏi: nếu là người thân của con trong hoàn cảnh đó, mình có đồng thuận để làm cuộc phẫu thuật ấy cho con? Hay dù khó khăn đến mấy cũng phải đồng thuận “theo ý trời” – như cách bác sĩ Thủy chia sẻ.

Một người mẹ trẻ từng chia sẻ: Chị đã có con đầu lòng là trai nên khi có kế hoạch sinh con thứ hai, chị làm đủ cách để có cơ hội mang thai con gái. Nhưng lần mang thai thứ hai của chị cũng là con trai. Chị mang theo hy vọng “siêu âm nhầm” cho đến ngày sinh. Vậy nhưng, ngay khi chỉ còn một mình co ro trên bàn mổ với những cơn chuyển dạ đợi được gây tê, lại chứng kiến cảnh người phụ nữ giường bên không vượt qua được nỗi sợ hãi, huyết áp tăng vọt phải hoãn mổ, chị tắt hẳn giấc mơ có con gái. Chị không muốn con mình trải qua thời khắc “cửa tử” với thiên chức làm mẹ.

Vậy mới cảm thấu các con sinh ra là gái thiệt thòi biết bao nhiêu!

“Không lựa chọn giới tính thai nhi để con gái bạn được tỏa sáng”. Đó là một trong những thông điệp truyền thông rất hay của ngành dân số. Thông điệp được truyền thông bền bỉ, thường xuyên nhưng luôn không dễ để thay đổi tầng tầng lớp lớp quan niệm “sinh con trai để nối dõi tông đường” của người Việt.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Xã hội ngày càng hiện đại nhưng những nguy cơ tiềm ẩn đối với trẻ em gái vẫn luôn hiện hữu. Trong đó, lớn nhất là nguy cơ bị xâm hại tình dục và bạo lực. Các bé gái là nạn nhân trong các vụ xâm hại tình dục thường bị ảnh hưởng rất nặng nề cả về thể chất lẫn tâm lý, luôn bị nỗi ám ảnh, sợ hãi cản trở sự lạc quan, sự tự tin và niềm tin với người khác.

Thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cũng khiến cuộc sống của trẻ em gái càng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Ở Việt Nam, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thật sự nóng lên từ năm 2006. Ngay từ những năm đầu tiên xuất hiện thực trạng này, tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh đã lên cao từ 1% đến 1,5%. Đây cũng là giai đoạn xã hội nở rộ các dịch vụ siêu âm, mở rộng các dịch vụ hành nghề y tế tư nhân và thuận tiện, dễ dàng trong nạo phá thai. Số liệu từ ngành dân số cho thấy, 103 bé trai/107 bé gái là tỷ lệ giới tính bình thường. Nhưng tại thời điểm năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là 111,5 bé trai/100 bé gái; trong khi, tại Thừa Thiên Huế, tỷ lệ đó là 112,8/100. Trong 8 tháng đầu năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 108,3 bé trai/100 bé gái.

Trong một diễn đàn truyền thông về bình đẳng giới, các bạn nữ sinh trường cao đẳng sư phạm Thừa Thiên Huế đã rất thích thú khi được thông tin về tỷ số giới tính khi sinh. Tuy nhiên, nụ cười vô tư, xinh đẹp của các nữ sinh nhanh chóng trầm lại khi được ông Phan Đăng Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ nhấn mạnh: Các bạn nữ khoan mừng và khoan nghĩ như vậy là nữ giới chúng ta càng “có giá” hơn nhé. Bởi lẽ, việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ. Điều đó dễ dẫn đến sự gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ, tăng tệ nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ, tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội…

Việc tăng cường truyền thông nhằm thay đổi hành vi bảo vệ trẻ em gái vẫn luôn là một trong những nội dung quan trọng của công tác dân số. Trong đó, đặc biệt chú trọng các hoạt động truyền thông nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với các cơ quan, đoàn thể, công tác này rất cần thiết có sự tham gia của cộng đồng. Sự chung tay này là cách để mỗi người dân từng bước thay đổi tư duy và thực hành không lựa chọn giới tính khi sinh và không phân biệt đối xử về giới, chung tay bảo vệ trẻ em gái một cách hiệu quả và đúng thực chất.

ĐỒNG VĂN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …