Chuyện xưa

Đứa con của bạn tôi rất thích nghe kể chuyện “ngày xửa, ngày xưa” còn hơn cả truyện “Đô-rê-mon” hay xem phim hoạt hình “Tom và Jerry”… Còn nhỏ chưa đọc được chữ nên cháu hay đòi ba mẹ hoặc người thân kể chuyện xưa. Kể vài chuyện cũng hết vì làm sao mà nhớ nổi nên bạn mua thêm sách hoặc mở mạng đọc để có thêm “kiến thức”, “vốn liếng” kể cho cháu.

Dù có lúc chán ngán vì không có khiếu kể chuyện nhưng bạn cũng cố gắng còn hơn để con lao đầu, mê say vào các trò chơi điện tử làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Rảnh rỗi anh cho con đi công viên, đưa đến một số nơi để biết thêm về di tích lịch sử của quê hương, đất nước. Anh còn mua thêm cho cháu truyện tranh có màu sắc để tạo ấn tượng, thích thú hơn khi xem. Trí nhớ cháu khá tốt, ai kể chuyện gì là nhớ được và có thể kể lại khá rành rọt, gần như “nguyên bản” mặc dù giọng nói còn ngọng nghịu, nhiều từ phát âm còn chưa rõ.

Hôm sang chơi, tôi hỏi cháu thích câu chuyện nào nhất thì cháu trả lời ngay là chuyện “Thạch Sanh, Lý Thông”. Hỏi tại sao thì cháu nói, vì Thạch Sanh là người thật thà, tốt bụng, luôn giúp đỡ người khác, lại là người tài giỏi nữa nên được sống sung sướng, hạnh phúc. Rồi cháu quay sang hỏi tôi: “Có phải ai tham lam, độc ác cũng đều bị trừng trị phải không bác?”. Tôi trả lời với cháu: “Đúng vậy, bác tin là như thế!”.

Có hôm, thời tiết thay đổi, đang nóng bỗng chuyển sang lạnh, nghe tôi nói “trời trở rồi” thì cháu hỏi, ông trời nằm bị mỏi hay sao mà ông phải trở, làm chúng tôi ai cũng phải bật cười. Lần khác, cháu hỏi tại sao gọi vua Quang Trung là “Anh hùng áo vải”; vì sao gọi là festival; tại sao lại có bệnh này, bệnh kia… Rồi phải trả lời, giải thích. Trẻ con là vậy, hiếu kỳ, thích khám phá, tìm hiểu. Không ít câu nói, câu hỏi ngây ngô, ngộ nghĩnh nên người lớn giải thích, trả lời, hướng dẫn cũng phải khéo léo để cho trẻ dễ hiểu, dễ tiếp thu và làm sao để phát huy tính sáng tạo của các em mà không ỷ lại, dựa dẫm.

Hồi nhỏ tôi cũng rất thích nghe kể các câu chuyện dân gian. Cứ mỗi lần nghe bà kể là tôi bỏ hết các trò chơi, chạy đến gần bà để nghe cho rõ hơn. Vừa nhai trầu, vừa kể chậm rãi nên tôi cũng nhớ được một vài chuyện mà không phải qua sách vở. Kết thúc mỗi câu chuyện trong lòng chúng tôi ai cũng thấy thỏa đáng, hả dạ. Nhiều câu chuyện cổ tích dân gian nội dung ngắn gọn, đơn giản nhưng thông điệp mang lại rất ý nghĩa và bài học hay trong cuộc sống.

Trở lại chuyện của cháu bé, khi được đưa đi nhà trẻ, cháu biết thêm những câu chuyện cổ dân gian khác nên rất hứng thú khi đến lớp. Cháu lại về khoe và kể câu chuyện này, câu chuyện kia làm cả nhà cũng vui theo. Anh tâm sự, thật hạnh phúc khi con khỏe, con ngoan. Mỗi lần đi làm về nhìn thấy con cười tươi, mừng rỡ là bao nhiêu mệt nhọc dường như tiêu tan. Không biết con mình đã “ngộ”, đã “ngấm” được bao nhiêu từ các câu chuyện cổ nhưng ngày càng ngoan, lễ phép, không nũng nịu khóc nhè vòi vĩnh cái này, cái kia, mà còn biết phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp gọn gàng đồ chơi, truyện ngăn nắp vào giá sách và không giành giật đồ chơi với bạn như trước nữa.

THIỆN LINH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …