Công nhân tranh thủ lựa hàng giảm giá dịp trước tết
Đắn đo mua sắm
Trên đường tan ca về, chị Trần Thị Bích, công nhân một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài, thị xã Hương Thủy, ghé một sạp bán quần áo trên vỉa hè. Lựa một chiếc áo phao màu đỏ, chị lần xem cổ áo, đường chỉ và ướm thử, có vẻ rất thích. Sau khi hỏi giá, chị đành gượng cười xếp áo trao lại người bán. “Họ bảo giá 220 ngàn đồng, nếu trả giá chắc được bớt chừng 20 ngàn đồng, nhưng bỏ ra 200 ngàn đồng, hơn tiền công một ngày làm để mua một cái áo, tôi thấy tiếc…”, chị Bích giải thích.
Chị Bích muốn tiết kiệm tiền để mua cho con chiếc xe đạp mà chị hứa hẹn từ đầu năm. Năm nay, công ty thông báo thưởng tết một tháng lương cơ bản, nhưng chị cũng sắm tết đơn giản, phòng ra tết, công ty thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm, còn có tiền trang trải. Chị tiết lộ bí quyết mua đồ giá rẻ: “Phải chịu khó đi nhiều gian hàng hỏi giá, rồi vào nơi bán giá thấp nhất trả xuống thêm vài giá nữa, để được rẻ thêm chút ít”.
Không chỉ chị Bích mà nhiều công nhân khác cũng chịu khó làm như vậy. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, công nhân KCN Phú Đa, Phú Vang nhẩm tính, còn hơn một tháng nữa là đến Tết Quý Mão. Cứ ngỡ năm nay, dịch bệnh tạm ổn, việc làm thu nhập sẽ khá hơn, bù lại cho hai cái tết trước dịch phức tạp. Ai ngờ, công ty thiếu đơn hàng, không những thu nhập thấp lại còn thấp thỏm lo mất việc làm. “Nên hầu hết công nhân chúng tôi đều phải đắn đo chuyện sắm tết”, chị Thủy nói.
Chiều chiều các gian hàng tự phát mọc lên san sát ở những con đường vành đai quanh những KCN, trưng bày đủ các mặt hàng, từ quần áo, giày dép, thắt lưng, túi xách… với mức giá từ mấy chục ngàn đến 250 ngàn đồng một món, có nơi còn khuyến mãi.
Chị Nguyễn Thị Sửu, chủ một gian hàng quần áo trên Quốc lộ 1A, gần KCN Phú Bài than thở: “Công nhân tan ca vẫn ghé nhưng chủ yếu để xem, ít người chịu mua”.
Chị Nguyễn Thị Mai, công nhân may ở Cụm công nghiệp An Hòa, TP. Huế, tâm sự, chưa lĩnh lương, nhưng muốn mua áo khoác ấm cho các con, sợ gần tết tăng giá chị phải mượn tiền. “Chị lựa khắp các gian hàng, cái nào cũng có giá hơn 200 ngàn. Mua 3 cái, cũng hơn 600 ngàn đồng, hay để lựa đồ bành xem có rẻ hơn”, chị Mai suy tính.
Những dự định đành gác lại
Trong ngôi nhà dựng tạm, nằm trong con hẻm đối diện KCN Phú Bài, bà Trần Thị Liệu (54 tuổi, quê Quảng Ngãi) vừa dỗ dành một đứa cháu đang khóc đòi sữa, vừa ngó chừng một đứa khác đang chơi một mình nơi góc cửa. Cha mẹ hai đứa cháu nội này của bà đều là công nhân KCN Phú Bài. “Tuần này, vợ chồng nó làm ca chiều. Lương của cả hai cộng lại được khoảng 9 triệu đồng”, bà Liệu nói.
“Không đủ tiền cho con đi nhà trẻ nên tụi nó nhờ tôi ra đây giữ giùm. Thương tụi nó lương, thưởng không đủ lo cho con, tôi không nghĩ chuyện về quê dịp tết”, bà Liệu tâm sự.
Bà Liệu cho hay, cách đây 5 năm, vợ chồng con trai bà vay mượn mua được miếng đất và ngôi nhà tạm này. Nay nhà xuống cấp, dự định năm nay ráng làm để có tiền sửa nhà đón tết, nhưng giờ gác lại rồi vì năm nay thu nhập thấp hơn chúng dự tính .
Khóe mắt chị Phạm Thị Huệ, công nhân Công ty Thakson Huế đỏ hoe sau cuộc điện thoại thông báo với mẹ năm nay gia đình chị lại lỡ hẹn về quê ăn tết. “Riết như này, đến khi về, có khi mắt mẹ mờ không nhận ra tôi nữa cũng nên”, nói rồi nước mắt chị Huệ cứ thế lăn dài.
Chị Huệ 43 tuổi, quê Nam Định, năm 18 tuổi chị vào Bình Dương làm công nhân, quen rồi cưới chồng chị người Huế trong đó. Năm 2008, cả hai về quê chồng, xin làm công nhân ở KCN Phú Bài. Những năm đầu, có về một vài lần tết, sau này cuộc sống khó khăn, các con còn nhỏ, vợ chồng chị lo dành dụm, vay mượn tiền mua đất, làm nhà, rồi đến dịch.
“Hơn 7 năm nay tôi chưa về thăm mẹ, ngày thường cũng như dịp tết”, chị Huệ nhớ lại. Năm nay, cả nhà dự tính về Nam Định ăn tết, nhưng cách đây vài tháng chồng chị Huệ bị bệnh nặng, phải nằm viện. Khoản tiền ít ỏi, chị Huệ chắt chiu để về tết cũng không đủ điều trị cho chồng, phải mượn thêm. Năm nay, công ty chị không có tăng ca, thu nhập của chị Huệ không khá hơn được.
“Lâu năm không về quê, nếu có về tôi cũng muốn vợ chồng và các con phải tươm tất hơn chút, cho mẹ tôi vui, vả lại cần có ít quà cho mẹ và anh chị em. Hoàn cảnh tôi hiện nay chưa đáp ứng được, nên tôi đành gác lại, ra tết nếu ổn hơn tôi sẽ về”, chị Huệ chia sẻ.
Ông Lê Minh Nhân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết, với phương châm: “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có tết”, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo tất các các công đoàn cơ sở, cấp trên cơ sở hỗ trợ 10% tổng số đoàn viên đơn vị đang quản lý, mỗi đoàn viên được trao ít nhất 500 ngàn đồng tiền mặt. Đối tượng ưu tiên là đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mất việc làm, lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi. Nguồn kinh phí được trích từ quỹ hoạt động thường xuyên của đơn vị. Những đơn vị, không đủ nguồn kinh phí, phải báo cáo LĐLĐ tỉnh, để LĐLĐ tỉnh hỗ trợ thêm.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh còn tổ chức chương trình “Tết Sum vầy – Xuân gắn kết”, cung cấp những mặt hàng thiết yếu giảm giá, tổ chức các hoạt động vui xuân, đón tết, tặng quà tết, vé xe tết… cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp mọi người đều có tết đoàn viên.
Bài, ảnh: Hải Thuận