Chăm lo kết hợp giới thiệu việc làm cho người lao động

Những năm trước, nếu đây là thời điểm công nhân tại các DN phải liên tục tăng ca để đáp ứng đơn hàng, thì nay nhiều công nhân phải giảm giờ làm, thậm chí mất việc.

Chỉ mong việc làm ổn định

Dù phải tằn tiện chi tiêu, chị Dương Thị Châu, công nhân Công ty TNHH Sơn Hà, khu công nghiệp Phú Đa, vẫn bằng lòng với thu nhập 5 triệu đồng/tháng hiện tại của mình. Chị cho biết, tình trạng DN thiếu đơn hàng như hiện nay, chỉ mong có việc để làm ổn định. “Tết cận kề, không có việc đồng nghĩa với không có tết”, chị Châu bộc bạch.

Công nhân Công ty TNHH Giã Trân, TP. Huế phải giảm ngày làm để chờ đơn hàng

Bình thường, lương chị Nguyễn Thị Thu Thủy, công nhân may hàng xuất khẩu, khu công nghiệp Phú Bài hơn 6 triệu đồng/tháng. Nhưng hơn 3 tháng nay, công ty thiếu đơn hàng, không những không tăng ca, công ty còn cho công nhân nghỉ thứ 6 và thứ 7, lương chị Thủy giảm xuống còn 5 triệu đồng. “Là lao động chính trong nhà, phải nuôi 3 đứa con ăn học, nên cuộc sống gia đình tôi luôn thiếu trước hụt sau, tranh thủ những ngày nghỉ, tôi làm thêm mứt gừng để tăng thu nhập”, chị Thủy trải lòng.

Dẫu vậy, chị Thủy vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều công nhân khác bị công ty chấm dứt hợp đồng khi hết thời hạn. Chị Thủy chia sẻ, gắn bó với công ty gần 15 năm nay, chưa bao giờ chị thấy nơm nớp lo mất việc làm như lúc này.

“Dù trước đó đã nghe tin công ty khó khăn nhưng khi cầm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, tôi vẫn sốc”, chị Huỳnh Thị Hồng Nga, phường Thủy Xuân, TP. Huế lo lắng. Chị kể, vợ chồng chị đều là công nhân may, công ty chồng chị, tuy không bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng do đơn hàng ít, không tăng ca nên thu nhập chỉ 6 triệu đồng/tháng. “Bình thường 2 vợ chồng thu nhập hơn 10 triệu đồng, chi tiêu còn chật vật, hơn 2 tháng nay chỉ dựa vào mỗi lương chồng, nên tôi đã phải nợ 2 tháng tiền thuê nhà. Cũng may, được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế giới thiệu, tôi vừa tìm được việc làm thời vụ tại cơ sở sản xuất bánh kẹo. Thời điểm này, tôi chỉ mong có việc để làm”, chị Nga bày tỏ.

Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1.500 công nhân lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập do DN thiếu đơn hàng sản xuất, chủ yếu tập trung vào các DN hàng dệt may, da dày và sản xuất đồ gỗ.

Bám sát tình hình lao động tại DN

Cuộc họp ban chấp hành công đoàn gần đây, Công đoàn Khu Kinh tế Công nghiệp tỉnh dành nhiều thời gian, nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập cho người lao động tại các công đoàn cơ sở (CĐCS). Qua chia sẻ của đại diện CĐCS tại các DN, về cơ bản, tình hình lao động việc làm, các chế độ phúc lợi của người lao động đều được đảm bảo. Các CĐCS đến từ các DN lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thủy sản cho biết, thu nhập người lao động tại DN có xu hướng tăng. Trong khi đó, hầu hết các DN ngành dệt may đều thiếu đơn hàng, có DN phải cắt giảm lao động, và giảm giờ làm trong công nhân lao động. Bà Lê Thị Thu Nam, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh cho biết, Công đoàn Khu Kinh tế Công nhiệp tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các CĐCS, nắm bắt tình hình hoạt động của DN, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên người lao động trong trường hợp bị chấm dứt hợp đồng hoặc giảm giờ làm. Đối với những DN đang có nhu cầu tuyển dụng, công đoàn sẽ kết nối giới thiệu, giúp đoàn viên, người lao động bị chấm dứt hợp đồng do thiếu đơn hàng có việc làm trước mắt, để đảm bảo cuộc sống.

Theo ông Trần Văn Đồng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Huế, trên địa bàn TP. Huế, có 8 DN có CĐCS thuộc LĐLĐ thành phố bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng, có 780 lao động phải giảm giờ làm, giảm thu nhập và khoảng 245 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Đối với những lao động chấm dứt hợp đồng, LĐLĐ TP. Huế đã liên hệ với các DN kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, du lịch, để giới thiệu việc làm mới, hoặc làm việc thời vụ tại các công ty, cơ sở sản xuất phục vụ thị trường tết.

Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh thông tin, trước tình hình việc làm, thu nhập của đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng tại các DN thiếu đơn hàng sản xuất, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các các cấp CĐCS bám sát tình hình lao động tại DN, kịp thời động viên người lao động chia sẻ khó khăn với DN trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tại DN. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh chủ động phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, kết nối với trung tâm giới thiệu việc làm và các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, người lao động bị chấm dứt hợp đồng, nên về cơ bản tình hình việc làm cho đoàn viên, người lao động vẫn ổn định. “Kế hoạch chăm lo tết cho đoàn viên, người lao động cũng được các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện”, ông Vinh cho biết.

Bài, ảnh: Hải Thuận

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …