Đóng bảo hiểm xã hội để có nguồn thu nhập khi về già (ảnh minh họa). Ảnh: BẢO PHƯỚC
Chuyện người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Con số người rút bảo hiểm xã hội một lần năm 2022 được nêu ra có người cho là bình thường, có người cho là bất thường, cần có giải pháp.
Điều đáng lưu ý, người có quan điểm “điều này không có gì bất thường” chính là người có vai trò vị trí cao trong ngành bảo hiểm xã hội – ông Chu Mạnh Sinh – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Có lẽ, căn cứ để bảo hiểm xã hội cho là bình thường là vì, điều này không phải bây giờ nó mới diễn ra mà diễn ra từ những năm trước. Cụ thể trong giai đoạn từ 2016 – 2021 có hơn 4 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Tính ra năm 2022 tăng 3,7% so với năm 2021.
Khi nói về bảo hiểm nói chung và bảo hiểm xã hội nói riêng nó có mấy tính chất. Thứ nhất, là tính chất nhu cầu tự thân. Việc đóng bảo hiểm xã hội là “bảo hiểm cho chính người đóng” để có nguồn thu nhập về sau. Thứ hai là tính chất san sẻ, tức là nhiều người lo cho số ít người. Từ đây nó nảy sinh một tính chất nữa của bảo hiểm, đó là, tạm gọi tính “kế tiếp”, tức là khi có người rút bảo hiểm xã hội thì phải có người đóng để bù đắp. Tỷ lệ thay thế này là bao nhiều phần trăm để an toàn hệ thống, có lẽ ngành bảo hiểm xã hội đã tính toán cụ thể.
Một câu hỏi đặt ra và có câu trả lời, đó là, “không có gì bất thường” thì có đồng nghĩa với việc hệ thống bảo hiểm xã hội an toàn hay không. Nếu khẳng định là an toàn thì tỷ lệ người rút khỏi hệ thống bảo hiểm và người tham gia mới được nêu ra sau đây – trong đó cả giai đoạn 2016 – 2021 có 4,06 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong khi đó phát triển thêm 4,23 triệu người, có thể xem là một tỷ lệ tốt?
Phó Tổng GĐ Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định là không có gì bất thường, có phải một trong những căn cứ đó chính là tỷ lệ nêu trên. Hiện tượng này đã diễn ra 5 năm rồi (không biết giai đoạn trước là như thế nào), nhưng không nghe nói gì đến tính an toàn của hệ thống bảo hiểm xã hội, tức chúng ta hiểu có thể là yên tâm. Cần thiết phải tính tỷ lệ thay thế thật chuẩn giữa người rút ra khỏi hệ thống và người tham gia vào hệ thống để hệ thống an toàn nhất mới là điều quan trọng.
Thế thì, điều đáng quan tâm nhất là phía người rút bảo hiểm xã hội một lần có ảnh hưởng gì đến đời sống của họ về sau hoặc có ảnh hưởng gì đến an sinh toàn xã hội. Hiểu nôm na, nếu người rút tiền, xài tiền hết rồi… rồi rơi vào nghèo khổ, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội thì đây mới là điều đáng quan tâm. Còn chuyện, tùy theo hoàn cảnh của từng người, họ rút ra khỏi hệ thống mà làm lợi hơn cho chính họ, chẳng ảnh hưởng gì đến an sinh xã hội… thì chúng ta cũng không phải lo. Ví dụ như họ rút tiền xong chuyển sang làm việc tự do, tạo ra cơ hội tốt hơn, giàu có hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn (chẳng hạn như thông qua thuế) thì điều này chẳng những không lo mà còn lấy làm mừng. Trong nền kinh tế của chúng ta, khu vực lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ không hề nhỏ. Khu vực này cũng tạo ra động lực lớn cho phát triển kinh tế.
Có lẽ cần thiết có sự thống kê, đánh giá, phân tính sâu hai mặt nêu trên.
Nguyên Lê