Vua Duy Tân và những bến nước

Vua Duy Tân từng gặp Thái Phiên – Trần Cao Vân ở hồ Tịnh Tâm. Ảnh minh họa: H.Diệu

Một số tư liệu hay về Khởi nghĩa Duy Tân

Tác giả Phạm Văn Sơn trong cuốn “Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945) có kể khá kỹ về việc hai ông Thái Phiên – Trần Cao Vân giả câu cá hẹn gặp vua để bàn thế sự. Nhiều tài liệu cho biết, năm 1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân tìm cách vận động vua Duy Tân tham gia cuộc khởi nghĩa với tư cách người lãnh đạo, để thu hút sự tham gia của các tầng lớp trong xã hội. Trước khi Việt Nam Quang Phục Hội bàn việc mời vua Duy Tân tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thì vị vua này cũng đã sục sôi ý chí đánh Pháp.

Sách Vua Duy Tân (Huỳnh Tôn, 1949, Hà Nội) kể vua Duy Tân từng nổi nóng với các quan đại thần khi họ mỉa mai vua lấy vũ khí gì mà chống lại người Pháp? Vua nói lớn: “Nước Pháp đang lâm chiến ở châu Âu. Đã đến lúc phải xúi giục dân chúng nổi dậy chống Pháp bằng tất cả sức mạnh của mình” – vua nói.

Sách “Khởi Nghĩa Duy Tân – Thái Phiên – Trần Cao Vân – Qua các tài liệu mới” của nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn (2014) công bố nhiều thông tin rất mới. Tài liệu đánh số 50 (bộ hồ sơ 65530 tại Trung tâm Lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence – Pháp) có ghi rằng: Phan Bội Châu và Cường Để đã gửi thư bí mật cho vua Duy Tân hỏi vua quyết định nền chính trị đất nước là vương quốc hay cộng hòa? Vua trả lời rằng ngài đã quyết định thành lập chế độ quân chủ lập hiến, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của triều đình để giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Những bến nước lịch sử

Từ lúc gặp gỡ đến khi cuộc khởi nghĩa nổ ra và thất bại, vua Duy Tân đã lần lượt tiếp xúc với các chí sĩ yêu nước ở một số bến nước, lại xuống một số bến nước để lên thuyền. Các bến nước đó là ở đâu? Có phải chỉ là bến Văn Lâu như trong câu hò mái nhì của cụ Ưng Bình “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm…”?

Cuộc “cuộc gặp gỡ lịch sử” được nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn thuật lại từ lời khai của chính các nhân vật chủ chốt của cuộc khởi nghĩa là Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề. Tháng 3/1916, Trần Cao Vân từ Đà Nẵng ra Huế tìm gặp Nguyễn Quang Siêu, chánh đội của Vệ thân binh (nên gọi là Suất đội Siêu) nhờ móc nối. Đội Siêu gặp quan thị vệ Tôn Thất Đề và ông Đề trình tấu ngay với vua Duy Tân. Đầu tháng 4/1916, Đề và Siêu đến bến Văn Lâu để gặp hai ông Trần Cao Vân (hiệu là Hồng Việt) và Thái Phiên (hiệu Huỳnh Anh) vừa từ Đà Nẵng ra đang đợi họ dưới một chiếc thuyền. Trần Cao Vân đưa một bức thư cho thị vệ Đề nhờ chuyển đến nhà vua.

Đọc thư xong, vua liền thảo ngay bức thư với bốn chữ Hán, đại ý: “Trẫm cùng một ý như các khanh!”. Ba ngày sau, thông qua thị vệ Đề, Trần Cao Vân nhắn tin muốn gặp vua để bàn kế hoạch khởi nghĩa. Vua nói “không được vào dinh, rất nguy hiểm”, nên đội Siêu đề nghị phải cải trang làm người đi câu để gặp vua. Hào nước cạnh cửa Hòa Bình (Hậu hồ ở cửa sau của hoàng cung Huế) là nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa vua Duy Tân với hai vị thủ lĩnh Trần Cao Vân – Thái Phiên. Tài liệu miêu tả cuộc gặp khá chi tiết. Về việc này, nhà nghiên cứu Võ Hương An trong bài viết “Huyền thoại bến Vân Lâu”, cho rằng địa điểm hai bên bí mật gặp nhau chính là Hậu Hồ sau lưng điện Kiến Trung.

Thế nhưng, sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên” (dịch giả Cao Tự Thanh xuất bản năm 2011) có ghi: “Mùa hạ, tháng 4 (Quý Tỵ). Đêm ngày 2 (Canh Tý) vua tự rời ngôi báu. Lúc đầu là vua bị phỉ nhân Trần Cao Vân mê hoặc, nửa đêm ngầm rời khỏi Hoàng thành ra ngoài, theo đảng nghịch Vân bàn bậy việc quang phục, mưu đồ nổi loạn. Vân(…) cùng Thái Phiên thông đồng tin tức với nước ngoài, tạo cờ hiệu chế khí giới, họp đồ đảng lén tới kinh sư, ngầm liên kết với Suất đội Siêu, Thị vệ Đề đưa tin vào Đại Nội. Lúc đầu giả làm người câu cá sau hồ Tịnh Tâm, mưu xin chiếu văn, kế tới Thương Bạc dừng thuyền lừa mời ngự giá…”.Theo sách này, hai địa điểm vua Duy Tân gặp Thái Phiên – Trần Cao Vân là ở hồ Tịnh Tâm.

Vậy nên tin vào lời khai trong hồ sơ Pháp lưu trữ và Võ Hương An hay bản ghi trong sách sử mà hồi đó ngay cả việc khép án cho vua Duy Tân, đại thần Hồ Đắc Trung cũng tìm cách làm giảm tội?…

Lại nữa, căn cứ câu hò của cụ Ưng Bình, nhiều người cho rằng, bến Văn Lâu mang nhiều tâm sự của vua Duy Tân yêu nước. Sách “Cố đô Huế” (1960), Thái Văn Kiểm cũng cho rằng bến Văn Lâu là nơi Vua Duy Tân gặp Thái Phiên – Trần Cao Vân: “Con thuyền trôi dưới cầu tuy có vẻ mơ màng vô định nhưng nó cũng có thể chở một Trần Cao Vân giả ngồi câu cá, để cùng vua Duy Tân bàn việc phục quốc”…

Bến nước Văn Lâu quả đã gắn liền với sự kiện lịch sử Khởi nghĩa Duy Tân 1916. Khoảng 10 giờ đêm 3/5/1916, vua Duy Tân theo kế hoạch bí mật rời Hoàng cung. Ra khỏi cửa Hiển Nhơn, đến góc Trường Quốc Tử Giám thì đã thấy Trần Cao Vân đợi sẵn cùng một số vị sĩ phu và quan chức Nam triều. Đoàn ngự giá lên bốn chiếc xe kéo theo cửa Thượng Tứ ra khỏi kinh thành đến bến Văn Lâu, sau đó đi bộ xuống bến Thương Bạc thì có đò nghĩa quân chờ sẵn, đưa vua qua sông Hương rồi dừng lại ở sở chỉ huy khởi nghĩa tại bến đò ga Huế đầu sông Lợi Nông.

Tại đây, vua gặp tên thông ngôn Trần Quang Trứ làm phán sự ở tòa Công sứ Thừa Thiên. Sau khi nói chuyện với vua xong, thông ngôn Trứ đi thẳng đến tòa Công sứ Thừa Thiên… Đến 4 giờ sáng vẫn không nghe động tĩnh gì cả. Trần Cao Vân sau khi cho người đi do thám trở về liền báo với vua: cuộc khởi nghĩa đã thất bại, Thái Phiên đã bất lực. Thực dân Pháp săn lùng tìm bắt vua Duy Tân, phát hiện được nhà vua cùng 2 người tùy tùng và cả hai nhà lãnh đạo Trần Cao Vân, Thái Phiên ở trong một ngôi chùa bên núi Ngũ Phong. Nhà vua bị điệu về giữ ở đồn Mang Cá, còn các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu thì bị tống giam ngay vào ngục tối.

Tuy còn nhiều điều cần xác minh cho rõ, song có thể thấy hành trạng vua Duy Tân trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916 ít nhiều cũng gắn liền với một số bến nước tại các địa danh nổi tiếng của Huế: Hậu Hồ, hồ Tịnh Tâm, bến Thương Bạc, bến Văn Lâu, bến đò ga Huế…

Võ Triều Sơn

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …