Tiếp cận sản xuất thông minh và đổi mới sáng tạo

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như tạo ra cây con giống chất lượng cao

Đầu tư cho khoa học, công nghệ

Những năm qua, một số DN trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nhờ đó, đã nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm của DN, đồng thời tiết kiệm được năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 150 DN đã và đang áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến. Trong đó, có 60 DN áp dụng Tiêu chuẩn ISO 9000 (thuộc các lĩnh vực sản xuất, vật liệu xây dựng, may mặt), 30 DN áp dụng Tiêu chuẩn ISO 22000/HACCP (thuộc các lĩnh vực sản xuất thực phẩm), 20 DN áp dụng Tiêu chuẩn VietGAP (cho lĩnh vực trồng trọt), 8 DN áp dụng ISO 14000, 7 DN áp dụng ISO 17025, 5 DN áp dụng công cụ 5S, còn lại 20 DN áp dụng các công cụ khác như ISO 13465 (hệ thống quản lý chất lượng trong y tế), GMP, SA8000…

Bên cạnh đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong DN, thời gian qua, tỉnh đã phát triển các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, hỗ trợ về năng suất… trong các DN. Trong đó, đã thực hiện các nhiệm vụ KHCN trong việc nâng cao năng suất, phát triển các sản phẩm. Đơn cử như các dự án ứng dụng KHCN vào trồng và chế biến cây sen tại Thừa Thiên Huế theo chuỗi liên kết; sản xuất một số cây đặc sản Nam Đông tại khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; trồng cây sâm cau; ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ Atiso đỏ…

Giai đoạn 2021- 2030, tỉnh tiếp tục xem xét đề xuất ứng dụng tiến bộ KHCN thực hiện một số dự án như: nhân giống, trồng và sơ chế dược liệu cà gai leo, sa nhân tím thành sản phẩm dược liệu; nuôi cấy mô thực vật sản xuất một số giống dược liệu để phát triển vùng nguyên liệu dược liệu của tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm…

Đổi mới để tăng năng suất

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế dựa trên ĐMST, chuyển đổi số với mô hình sản xuất thông minh và ĐMST là chìa khóa “bứt phá” năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các DN. Những năm gần đây, đã có nhiều DN sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… trên địa bàn dần chuyển dịch sang sản xuất thông minh. Đây được xem là xu hướng mới trong sản xuất tương lai, thông qua sử dụng các ứng dụng và thiết bị tiên tiến của công nghệ thông tin vào mọi quy trình trong sản xuất. Việc áp dụng quy trình sản xuất thông minh giúp DN gia tăng năng suất, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Đây là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất tự động, tối ưu hóa để đáp ứng yêu cầu thay đổi của thị trường.

Các bộ, ngành cũng đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KHCN với mục tiêu lấy công nghệ làm gốc trong việc thúc đẩy sản xuất thông minh, ĐMST tại các DN. Ưu tiên tập trung vận dụng công nghệ trong ĐMST các ngành nông nghiệp, công nghiệp, y dược…, như: chọn tạo giống, chế biến sau thu hoạch, chế biến thủy sản, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tự động hóa, sản xuất tế bào gốc…

Để thúc đẩy hoạt động quản lý năng suất trong DN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, theo ý kiến của các nhà chuyên môn, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải hỗ trợ, nâng cao nhận thức của DN về sự cần thiết và vai trò ý nghĩa của hoạt động ĐMST, nhất là chuyển dịch từ sản xuất truyền thống, lạc hậu, sang sản xuất thông minh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm giúp DN đuổi kịp, phát triển bền vững với điều kiện, bối cảnh chung.

Theo kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2030, đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm và lên 7,5%/năm đến năm 2030; đào tạo tối thiểu 100 thành viên (đến năm 2025) và 200 thành viên (đến năm 2030) làm “chuyên viên năng suất chất lượng” tại mỗi DN. Tối thiểu 10 DN nhỏ và vừa (đến năm 2025) và 20 DN nhỏ và vừa (đến năm 2030) trên địa bàn xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN và ĐMST.

Tỉnh cũng ưu tiên tăng nguồn lực cho ĐMST thông qua việc phát huy nguồn lực nghiên cứu và phát triển, hợp tác và chia sẻ, chuyển giao các nghiên cứu và phát triển với các cơ quan nghiên cứu khoa học như các viện, trung tâm, trường đại học… Nhất là chú trọng đến việc trang bị đầy đủ kiến thức liên quan đến ĐMST cho các cấp quản lý, các nhà hoạch định chính sách và DN. Yêu cầu này cũng được tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng, hệ thống quản lý… cho sinh viên ít nhất 1 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng lên ít nhất 3 trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030; đồng thời hình thành câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên. Từ đó góp phần gắn kết hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Mới nghĩ thôi đã thấy xa lạ…

Hội lớp 12Đ Quốc Học Huế, NK 1982-1985 đã tổ chức lần đầu sau 25 …