Rừng xanh tóc trắng

Giải đua ghe truyền thống xã Thủy Phù (Hương Thủy) chào mừng xã đạt chuẩn nông thôn mới

Với cơ cấu “nhất làng, nhất xã”, làng Phù Bài thuộc xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy. Làng có đất đai rộng lớn, tài nguyên sẵn, dân cư đông với hơn 1.500ha rừng đồi, nhiều sản vật cùng mỏ quặng sắt ở núi Quánh (Thiết Sơn) được khai thác từ thời phong kiến. Các thế kỷ trước, cách trung tâm làng không xa còn có các cánh rừng rậm nguyên sinh với nhiều chim muông, thú quý. Sử sách ghi lại, xưa kia Nhân dân làng Phù Bài còn khai thác gỗ quý để nộp cho phủ Chúa Nguyễn xây dựng dinh phủ…

Theo chân anh Lê Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù, từ Quốc lộ 1 rẽ vào đường liên xã chừng 2km là đến khu rừng nguyên sinh. Rừng bao bọc quanh lăng ngài Ngô Thù – Bổn thổ Thành hoàng, người khai khẩn làng Phù Bài. “Từ truyền thống của cha ông, lớp con cháu tiếp bước giữ gìn, bảo vệ mới có được khu rừng khoảng 14,4ha như hôm nay”, vị Phó Chủ tịch UBND xã giới thiệu với tôi.

Dâng hương tại Tôn Điện thờ Ngài Bổn thổ Thành hoàng

Ông Ngô Phước Toàn, Tự thừa làng Phù Bài cho biết, khu rừng quanh lăng ngài Bổn thổ Thành hoàng vốn có từ xưa với nhiều gốc cây cả người ôm không xuể. Qua thời gian, đặc biệt vào thời kháng chiến chống Mỹ, rừng bị bom đạn, con người tàn phá. Trước năm 1975, làng vẫn cử người bảo vệ rừng, bảo vệ lăng ngài với “bổng lộc” được cấp là hoa lợi 1 sào (500m2) ruộng công. Khu rừng nguyên sinh với cây cối rậm rạp, nhiều khe suối bao quanh từng là điểm tập trung quân của bộ đội ta trước những trận đánh về vùng đồng bằng.

Từ sau giải phóng năm 1975 đến nay, cùng với việc tái thiết đời sống mới, dân làng Phù Bài cũng bắt tay gầy dựng, trồng dặm lại nhiều diện tích cây sao, lát hoa, sến cho rừng nguyên sinh. Để bảo vệ, những diện tích rừng ở đây đã được đưa vào hương ước của làng. Nếu con cháu trong làng xâm phạm sẽ giao cho các họ tộc răn đe, giáo dục. Hiện khu rừng nguyên sinh này vẫn còn gần như đầy đủ những loại cây quý hiếm như: tần lai, mã, tía, đào rừng, mai rừng. Các họ tộc cũng phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.

Khu rừng nguyên sinh bao quanh lăng Ngài Bổn thổ Thành hoàng

Ông Ngô Phước Toàn bảo, rừng Thủy Phù từng che bộ đội, rừng cũng cung cấp sản vật nuôi sống thôn dân. Hồi đó, lá cây kè (một loại cây có lá như cây tranh dùng lợp mái nhà) luôn gắn với dân làng Phù Bài từ thuở sản xuất nông nghiệp sơ khai. Lá được người dân xếp rồi đan lại dùng làm nón, áo che thân, theo nông dân ra ruộng cày cấy.

“Cứ mỗi độ tiết thanh minh, dân làng Phù Bài lại tập trung làm vệ sinh, phát quang cây bụi quanh lăng ngài Thành hoàng và trồng cây gây lại rừng. Truyền thống đó đã thành nếp sống ăn sâu trong tiềm thức bà con nơi đây. Cũng là việc làm tri ân tiền nhân đã khai hoang, phục hóa để lại mảnh đất phồn thịnh, khu rừng nguyên sinh ngay cạnh đô thị như hiện nay”, ông Toàn trải lòng.

Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù Lê Văn Anh bảo rằng, trải qua hơn 500 năm xây dựng và phát triển, với bề dày lịch sử của làng, Phù Bài vẫn lưu giữ được những phong tục, tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội cổ truyền có giá trị văn hóa sâu sắc. Qua đó, cho con cháu được tìm về với cội nguồn, tìm về những giá trị nhân văn bền vững, tạo ra sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.

Một trong những gốc cây lớn trong khu rừng nguyên sinh

Bên cạnh những công trình văn hóa, lịch sử có giá trị, làng Phù Bài còn là một trong số ít địa phương đang lưu giữ 7 sắc phong của các đời vua cùng hơn 20 ngàn trang tư liệu (đã được số hóa) về địa bạ, đinh bạ thời Tây Sơn, Gia Long, các văn bản quản lý hành chính, các văn bản quy định của làng, văn cúng, nghề luyện sắt.

Đặc biệt, Phù Bài còn có đủ một bộ “Hoàng Việt Luật lệ” biên soạn, in ấn, phát hành năm Gia Long thứ 12 (1814)… Trong hòm bộ còn có 3 hiện vật gốc có niên đại hàng trăm năm là: thần phủ (búa thần), lệnh bài và ấn triện được bảo quản theo truyền thống lệ làng chặt chẽ từ xưa đến nay.

Để lưu giữ “nét làng” mà cha ông để lại, chính quyền địa phương đang tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các công trình, di tích lịch sử văn hóa trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị. Đồng thời, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với các công trình như Tôn Điện thờ Ngài Khai canh, Ngài Tùng và Ngài Dự khai canh của làng, đền Văn Thánh – Võ Thánh. Đầu tư tu bổ, tôn tạo để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị, nhất là các di tích cấp tỉnh như Đình làng Phù Bài.

Ông Lê Hữu Trí, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù khẳng định, địa phương cũng đang khảo sát, thống kê các công trình có giá trị về văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và các hiện vật có giá trị trên địa bàn đưa vào danh mục đề nghị bảo vệ, như: các công trình Đình làng Phù Bài, chùa Làng Tiên Phước tự, lăng ngài Bổn thổ Thành hoàng… có lịch sử lâu đời, hệ thống nhà thờ họ tộc có kiến trúc đặc trưng, gìn giữ hệ thống nhà rường trên địa bàn.

Thủy Phù cũng đang tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu bằng việc kêu gọi nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện dự án du lịch sinh thái, cộng đồng tại các hồ sinh thái cảnh quan như Khe Lời, Bàu Họ, khu rừng nguyên sinh và khảo sát, đánh giá tiềm năng, phát huy giá trị khai thác hệ thống nhà rường cổ trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …