Rú Bắp Trúc Lâm

Rú, vì là vùng đất cao có nhiều cây. Nhưng trên rú và cả những chân ruộng chung quanh không thấy nhiều bắp như tôi đã từng hình dung. Một bác cao niên cho biết, những vạt ruộng quanh đây ngày xưa không có mương thủy lợi, không trồng được lúa mà chỉ trồng bắp, giờ thì đã phủ xanh lúa nước và hoa màu. Mùa xuân đứng trên rú nhìn sang thấy hoa hành thấp thoáng trắng.

Người dân Trúc Lâm và các xóm làng lân cận đều biết rõ về một ngôi miếu nhỏ trên rú: Miếu Âm hồn. Theo họ là rất linh thiêng, mỗi năm diễn ra lễ tế cô hồn vào hai ngày mồng Bảy và mồng Tám tháng Ba âm lịch để tưởng nhớ hương linh của những người làng đã khuất. Đây được xem là lễ tế to nhất trong năm, kêu gọi con cháu dâu rể của làng khắp nơi về dự: Dù ai đang ở phương xa/Tháng Ba ngày Bảy về nhà kẻo quên.

Nhớ một lần đi chợ Thông, nhưng không thấy thím bán hàng quen. Hỏi ra mới biết thím nghỉ bán để làm mâm bánh trái gánh lên rú Bắp: “Từ mấy trăm năm trước không biết rõ năm mô, cứ theo như ông mệ cố sơ mà làm, cúng vong hồn giữa trời đất, cầu mong bình yên. Chỉ rứa thôi…”

“Chỉ rứa thôi” nhưng người dân làng Trúc Lâm bao đời nay đã để vào mâm lễ của gia đình mình tất cả thành tâm cung kính. Tự tay chọn mua nguyên liệu tùy theo điều kiện có được. Nhà thì biện mâm lễ thịnh soạn, có nhà chỉ mấy chục bánh, nhưng tất cả đều tự tay nấu nướng. Buổi sáng ngày mồng Bảy, dân làng đã rồng rắn thành hàng dài, người gánh, kẻ đội, qua những cánh đồng đã xanh ngời lúa xuân, đưa các mâm lễ lên miếu Âm hồn trên rú Bắp cho kịp lễ trưa mồng Bảy.

Ngôi miếu ngày nay đã được trùng tu nhưng vẫn giản dị, sừng sững trên rú Bắp lộng gió. Trước cổng miếu có bức tượng Đức Phật Thích Ca bằng thạch cao trắng trên bệ đá. Giữa mênh mông nắng gió, tiếng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” đều đều phát ra từ cái đài sen nho nhỏ bên chân tượng.

Làng có mười hai họ tộc, mỗi họ đảm nhận phần tổ chức lễ tế một năm, bao gồm việc dựng rạp và bài trí các bàn thờ với đèn nến hương, hoa quả cho đến việc tiếp nhận lễ vật của dân làng.

Gia chủ nhận tấm phiếu ghi sổ thứ tự trên mâm lễ để sau khi cúng xong sẽ nhận lại và đem về nhà. Danh sách con cháu của làng ủng hộ tiền và vật phẩm cho phần lễ của làng được xướng lên cũng rất dài. Điều đó cũng cho thấy người dân đã gửi gắm bao nhiêu yêu thương và tự hào khi được là con cháu của làng Trúc Lâm.

Sau phần nghi thức cúng tế đêm mồng Bảy thường có chương trình văn nghệ, là dịp các bạn trẻ tề tựu vui vẻ, lành mạnh trước khi tổ chức lễ chính ngày mồng Tám…

Men theo lối đi xuống đã được xây những bậc cấp xi măng bị che khuất bởi cỏ dại, tôi hỏi một bác cao tuổi, là người hướng dẫn trong đoàn, xem năm nay họ nào sẽ đảm nhận phần tổ chức. “Họ Trần tui đó! Mấy anh chị lên dự nghe! À, mấy anh chị có biết vì răng mà làng có tên Trúc Lâm không? “Ôn” tui nói vì ngày xưa vùng ni chỉ toàn tre trúc. Mà này, tui nhắc lại kẻo quên, tháng Ba tới nhớ lên với lễ hội nghe!”

Tiếng nói loãng nhanh trong gió đang lao xao rừng cây, khi gần, khi xa giữa mênh mông nắng vàng, mây trắng. Một thoáng đến rồi đi để ai đó cứ mãi hoài lãng đãng giữa hai miền hư thực… Niềm hân hoan theo cùng những bước chân vui đang về lại với ruộng làng và tre xanh.

Nguyễn Thị Duyên Sanh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …