Tôn vinh những cống hiến của đội ngũ trí thức góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh
Hợp lực
Những năm qua, tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển KHCN, xem đây là một ngành kinh tế tổng hợp, là công cụ then chốt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy ngày 09/8/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KHCN giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và Chương trình hành động xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn về KHCN của cả nước giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh ban hành để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết đã đề ra…
Hiện, toàn tỉnh có hơn 40 nghìn người có trình độ đại học trở lên và đa dạng về ngành nghề và lĩnh vực đào tạo. Tỉnh được đánh giá là một trong những địa phương có đội ngũ trí thức KHCN đứng vào top đầu trong cả nước, với 45 giáo sư danh dự, 318 giáo sư, phó giáo sư của khối Đại học Huế; gần 1.043 tiến sĩ, 3.936 thạc sĩ…, trong đó đội ngũ cán bộ KHCN 15.124 người. Đội ngũ trí thức có mặt hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ các cương vị chủ chốt của hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, các ngành kinh tế, kỹ thuật, KHCN và khoa học xã hội nhân văn.
Thời gian qua, đội ngũ trí thức KHCN tỉnh mà cơ quan thường trực là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tập hợp, phát huy trí tuệ, vai trò trách nhiệm đội ngũ trí thức tham gia, góp phần xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội; triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống. Lực lượng này cũng nghiên cứu, sáng tạo nhiều công trình, sản phẩm có giá trị khoa học, chất lượng, có khả năng ứng dụng cao… góp phần từng bước nâng cao trình độ KHCN chung và xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KHCN của cả nước với hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ.
Theo GS.TS. Huỳnh Văn Minh, Hội Tim mạch Thừa Thiên Huế, vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh ngoài “liên kết” để vững mạnh thêm cần phải năng động hơn nữa, phát huy trình độ năng lực, tập trung trí tuệ cao độ, nhằm đáp ứng yêu cầu về đào tạo, nghiên cứu, trong đó chú ý thế mạnh của tỉnh là nâng cao tính lịch sử, truyền thống văn hóa của vùng đất Phú Xuân.
Cần cơ chế trọng dụng
GS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh luôn đau đáu lý do vì sao đội ngũ cán bộ KHCN trên địa bàn có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực KHCN, trong đó có các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, y dược…, nhưng địa phương vẫn còn chậm phát triển và chưa được cộng đồng trong nước, quốc tế “để ý đến”. Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà khoa học nhụt chí, nản lòng để cống hiến và phát huy tài năng ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.
PGS. TS Nguyễn Quang Linh, nguyên Giám đốc Đại học Huế, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chỉ ra, hoạt động của lực lượng đội ngũ trí thức KHCN tỉnh khá đa dạng và sâu rộng, song còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc. Các chính sách hiện hành chưa đủ sức “hấp dẫn” đối với trí thức. Vì vậy, tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư, từ nơi này sang nơi khác vẫn chưa được khắc phục hiệu quả, một số nội dung trong chính sách đãi ngộ vẫn mang tính bình quân, dàn trải. Việc thể chế hóa mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức, quan điểm trọng dụng trí thức là nhân tài của đất nước, sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Đội ngũ trí thức chưa thật sự được tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để chuyên tâm cống hiến, chưa khai thác hết tiềm năng của đội ngũ trí thức.
Trong khi đó, tỉnh đang xây dựng vững chắc nền móng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Phải hiểu rõ rằng, muốn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải đảm bảo là khu vực có lợi thế đầy đủ về mọi mặt để phát triển tiềm lực kinh tế của vùng cũng như của cả quốc gia. Trong đó, ngoài yêu cầu có các lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa lý, khí hậu, về xã hội có 2 yêu cầu liên quan đến vai trò đội ngũ trí thức đó là phải có các cơ sở y tế, bệnh viện và giáo dục phát triển, thu hút đội ngũ bác sĩ giỏi về học tập nghiên cứu và chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo. Các cơ sở giáo dục là nơi đào tạo nguồn nhân lực trí thức cao. Ngoài ra còn có các lợi thế khác về phát triển du lịch, văn hóa hay các trung tâm giải trí, thể thao, nhất là phát triển về truyền thông, ngoại giao. Do vậy, cần tận dụng các cơ chế chính sách đặc thù để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN