TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã khẳng định như thế khi nói về vai trò của công cuộc phục hưng áo dài tại hội thảo quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 – 2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển”.
Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức sáng 27/2 tại Hà Nội. Ngoài hình thức trực tiếp, hội thảo còn trực tuyến tại UBND các tỉnh, thành phố.
Không chỉ phục hưng, Huế đang hướng đến trở thành Kinh đô áo dài của Việt Nam
Áo dài – hình ảnh riêng, bản sắc riêng của xứ Huế
Áo dài là một di sản văn hóa đặc thù của cố đô Huế, được hình thành, phát triển, tồn tại suốt hơn 300 năm qua, gắn liền với vai trò thủ phủ của Đàng Trong, kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, rồi cố đô cuối cùng của chế độ quân chủ. Áo dài đã góp phần quan trọng tạo nên một hình ảnh riêng, bản sắc riêng của xứ Huế.
Theo ông Hải, ngày nay, gắn liền với việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng của mảnh đất cố đô, việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản áo dài là hết sức phù hợp, cần thiết và có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 54.
Điều đáng mừng là, trong vài năm trở lại đây, phong trào “phục hưng” áo dài truyền thống, đặc biệt là các loại cổ phục Việt, nổi bật là áo ngũ thân – áo dài Huế đang diễn ra rất mạnh mẽ ở cả ba miền.
Từ tháng 9/2020, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến khích cán bộ, công chức mặc áo dài truyền thống trong công sở. Ngoài ra, các phong trào nghiên cứu, tìm hiểu để “mặc đúng, mặc đẹp” áo dài truyền thống Việt cũng ngày càng sôi nổi.
Từ đó, tỉnh đã giao cho sở chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”. Đến cuối năm 2021, đề cương của đề án này đã được duyệt, trở thành căn cứ vững chắc để đẩy mạnh công cuộc chấn hưng, phục hồi và phát huy di sản áo dài Huế vì mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững của cố đô Huế.
Người đứng đầu ngành văn hóa tỉnh chia sẻ, 80 năm trôi qua, những ý nghĩa, định hướng, nguyên tắc đặt ra trong bản ĐCVVHVN cho đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị và tính thời sự sâu sắc. Đặc biệt trong bối cảnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế nói chung và di sản áo dài nói riêng vì sự phát triển bền vững.
Nói về việc phát huy giá trị áo dài và xây dựng thương hiệu “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”, ông Hải cho rằng, thực ra là câu chuyện phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại và để nó tỏa sáng như vốn đã từng.
Nhưng còn hơn thế, sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa, mà còn vì sự phát triển bền vững của chính Thừa Thiên Huế, một vùng đất rất giàu có về di sản nhưng đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Vận dụng các nguyên tắc ĐCVVHVN để phát huy giá trị
Câu chuyện phục hưng áo dài không chỉ dừng lại đó để sao cho mỗi khi nghĩ đến Huế, người ta phải nghĩ đến xứ sở của áo dài, phải khát khao được đến Huế để nhìn ngắm, trải nghiệm mặc áo dài, may áo dài cho bản thân và làm quà tặng cho bạn bè, người thân…
Việc này còn phục hồi cả một hệ thống ngành nghề liên quan đến áo dài: tạo vùng nguyên liệu, dệt vải, nhuộm, thiết kế, đo may, làm các phụ kiện liên quan, quảng bá, phân phối sản phẩm… Từ đó có thể tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người.
Ngoài ra, từng bước đào tạo, bồi đắp, nâng tầm các nghệ nhân áo dài của Huế, để Huế có một đội ngũ nghệ nhân tài hoa, nổi tiếng, góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu văn hóa Huế.
“Và như thế, phục hưng áo dài sẽ góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế – xã hội của cố đô Huế, nâng cao mức sống của người dân”, ông Hải chia sẻ và hy vọng một khi Huế thực sự trở thành kinh đô áo dài thì doanh thu từ việc khách đến may đo và mua sắm phụ kiện sẽ tạo ra một nguồn thu không hề nhỏ.
Để làm được việc này, ngành văn hóa đang nghiên cứu để đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng qua việc sử dụng áo dài thường xuyên, thay đổi cách nghĩ và sức lan tỏa trong cộng đồng lòng tự tôn dân tộc về trang phục truyền thống. Trong đó, sẽ nghiên cứu trang phục áo dài trong các nghi lễ tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và các tôn giáo tín ngưỡng bản địa. Việc nghiên cứu khảo sát hướng tới tìm ra sự giao thoa, lan tỏa văn hóa trong trang phục áo dài với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ông Hải cho biết thêm đã và đang xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thông về áo dài Huế. Tổ chức ngày hội áo dài Huế định kỳ hằng năm, biến ngày hội trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế.
Đặc biệt, sẽ tính đế việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tuy nhiên, theo TS. Phan Thanh Hải, di sản áo dài – “quốc phục Việt” có tỏa sáng, tạo nên hình ảnh đầy bản sắc của người Việt Nam trong thời đại hội nhập và biến thành nguồn lực cho sự phát triển hay không, đều phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của chúng ta. “Đó cũng chính là sự vận dụng sáng tạo các nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” của ĐCVVHVN vào thực tiễn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam nói chung và di sản Huế nói riêng theo hướng bền vững”, ông Hải nhấn mạnh.
NHẬT MINH