Du lịch lễ hội ở Huế đang tiềm ẩn “mỏ vàng” chưa khai thác. Cần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, quảng bá chuyên nghiệp để thu hút du khách, tạo nguồn thu ổn định và phát triển bền vững.
Đua ghe trên sông Hương
“Tìm hiểu về lễ hội vật làng Sình năm nay, có một số du khách quốc tế đến xem các đô vật tranh tài. Việc du khách quan tâm và tìm đến các lễ hội truyền thống của Huế cho thấy tín hiệu lạc quan hơn nếu biết cách khai thác du lịch lễ hội bằng những sản phẩm du lịch. Mới là tín hiệu lạc quan thôi, bởi thực tế du lịch lễ hội được ví như mảnh đất vàng vẫn đang còn để ngỏ, chưa có các sản phẩm du lịch độc đáo để hấp dẫn du khách.
Từ tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, Huế có hàng chục lễ hội lớn nhỏ khắp các địa phương trong tỉnh. Song, ở khía cạnh thu hút khách du lịch, không khó để nhận thấy các lễ hội phần lớn thu hút người dân địa phương. Một người làm du lịch thẳng thắn: “Xét về góc độ phát triển du lịch, ngay cả số lượng du khách lớn cũng chưa thực sự thành công nếu họ chỉ đến các điểm tham quan, trải nghiệm miễn phí, không chi tiền cho hoạt động du lịch. Phải làm sao khai thác hiệu quả, để họ “rút hầu bao” và hài lòng với quyết định đó thì mới đánh giá là thành công”.
Nhìn sang một số địa phương bạn ngay trong dịp tết Nguyên đán năm nay, có thể mức độ quan tâm của du khách với du lịch lễ hội rất lớn. 4 ngày diễn ra lễ hội mùa xuân (mùng 4 – 7 Tết), chùa Keo gần 400 năm tuổi tọa lạc tại xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) ghi nhận lượng khách kỷ lục đến vãn cảnh, tham gia các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa truyền thống đặc sắc, ước tính từ 120.000 – 150.000 lượt khách du lịch. Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, các doanh nghiệp Huế vẫn khai thác tour du lịch lễ hội ở miền Bắc, nhưng lễ hội ở Huế thì khó bán tour. Du lịch lễ hội được xem như “mỏ vàng” của du lịch là khẳng định của nhiều chuyên gia du lịch. Bằng chứng là nhiều nước trong khu vực và thế giới đã rất thành công khi đưa lễ hội vào phát triển du lịch. Điển hình như lễ hội té nước trong dịp lễ tết cổ truyền Songkran (Thái Lan) hay Chol Chnam Thmay (Campuchia); lễ hội hoa anh đào (Nhật Bản)… Theo đại diện một công ty lữ hành trong nước, du lịch lễ hội khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của nước sở tại đang là một xu hướng có sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Với một kho tàng lễ hội phong phú, Việt Nam nói chung, Huế nói riêng có thừa tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, muốn đưa lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, từ công tác tổ chức đến cách thức quảng bá phải thật bài bản và chuyên nghiệp. Thế nhưng, cả hai điều kiện cần và đủ trên, chúng ta đều chưa làm được.
Lễ hội vật làng Sình đầu xuân Giáp Thìn
Xây dựng những sản phẩm hoàn chỉnh
Nhìn từ các lễ hội ở Huế dịp đầu năm, có thể thấy các đơn vị tổ chức lễ hội hiện nay chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các địa phương, hoặc chính người dân các xã, làng tổ chức. Việc tổ chức vẫn đang dừng lại như sinh hoạt đời sống tinh thần của người dân địa phương, chưa chú trọng khai thác du lịch, tạo nguồn thu từ phục vụ du khách. Dù nói nhiều về du lịch lễ hội, nhưng sự kết nối giữa ba bên: Quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp gần như không có. Phía các doanh nghiệp gần như còn bỏ ngỏ việc khai thác tính đặc trưng của lễ hội để phát triển du lịch. Các tour tuyến chuyên biệt về lễ hội chưa có. Một bài toán luẩn quẩn xảy ra là khi lễ hội chưa phát huy được khả năng thu hút du khách, doanh nghiệp khó “nhảy vào”. Một đánh giá từ du khách được nhiều người đồng tình là công tác tổ chức yếu kém đã khiến không ít lễ hội rơi vào cảnh “khách một, chủ nhà mười”. Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, quy mô các lễ hội ở Huế còn nhỏ, chưa tạo được sức hấp dẫn với du khách. Mặt khác, thông tin các lễ hội chưa đến được với du khách. Ngoại trừ lễ hội điện Huệ Nam được khách thập phương biết đến thì nhiều lễ hội còn lại chủ yếu chỉ thu hút khách địa phương. “Điển hình như ngày Festival Huế, khách vẫn không thể biết được điểm nhấn của Festival Huế là gì vì thiếu những chương trình đinh. Điều này làm doanh nghiệp khó bán được tour”, ông Cơ trăn trở. Để giải quyết, vấn đề quan tâm đầu tư, khai thác du lịch từ lễ hội phải đúng cách. Không nên đầu tư dàn trải mà phải chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng để từ đó xây dựng thành sản phẩm “đinh” và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp. Từ việc tổ chức lễ hội thành công, thu hút nhiều du khách sẽ tạo nguồn thu cho địa phương. Việc lấy lễ hội “nuôi” lễ hội sẽ giúp các địa phương có nguồn kinh phí ổn định để tiếp tục duy trì và phát triển lễ hội ngày một tốt hơn. Quan trọng là phải tạo dựng được những sản phẩm hoàn chỉnh, cụ thể để chào hàng đến du khách, đồng thời xây dựng một kế hoạch quảng bá chuyên nghiệp trên thị trường quốc tế cùng với sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, các doanh nghiệp có liên quan để tạo ra một tour lễ hội đặc sắc. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngành du lịch, ngành văn hóa cùng các ban ngành, đơn vị liên quan đang nỗ lực nghiên cứu, tổ chức các sự kiện lễ hội gắn với việc phát triển du lịch thông qua kế hoạch tổ chức Bốn mùa Lễ hội. Những “điểm nghẽn” thời gian qua cũng sẽ được đánh giá, nhìn nhận để có giải pháp xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch tốt hơn.
Nguồn thông tin được tham khảo từ: baothuathienhue
Nội dung được biên tập, sáng tạo thêm bởi: thuathienhue_org