Lao động Việt Nam theo Chương trình EPS nhập cảnh Hàn Quốc tại sân bay Incheon.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để đảm bảo quyền và lợi ích của bản thân, tránh tình trạng bị lừa đảo, bị lợi dụng để thu tiền trái pháp luật, người lao động (NLĐ) có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các thông tin về thị trường lao động ngoài nước, chính sách và quy định của pháp luật, doanh nghiệp (DN) đưa đi làm việc ở nước ngoài để có sự lựa chọn phù hợp về trình độ, kỹ năng và tài chính của bản thân.
Để tìm hiểu các thông tin nói trên, NLĐ có thể truy cập vào trang thông tin của Cục QLLĐNN, cơ quan lao động địa phương và của các DN có giấy phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Theo quy định pháp luật, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các DN có giấy phép đều có trang thông tin điện tử của DN và phải cập nhật các thông tin về hợp đồng cung ứng lao động đã được Cục QLLĐNN chấp thuận.
NLĐ cần phải trực tiếp liên hệ đến DN nói trên, tuyệt đối không thông qua và nộp tiền cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, khi NLĐ nộp tiền cho DN cần yêu cầu cung cấp hóa đơn, biên lai thu tiền, trong đó thể hiện rõ các khoản tiền phải nộp để làm cơ sở giải quyết các vấn đề phát sinh sau đó.
Ông Nguyễn Gia Liêm cũng cho biết: Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được nêu nhiều trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và đã được Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng triển khai, từ việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2020 và có hiệu lực từ 1/1/2022, tại Điều 4 khoản 1 đã nêu “Khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước cũng như các nguồn lực trong nước vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định.
“Tùy theo từng thị trường xuất khẩu lao động sẽ định hướng học tập ngành nghề gì hay học ngoại ngữ ở mức độ, trình độ ra sao. Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc không đòi hỏi NLĐ trình độ kỹ năng nghề nhiều mà cần khả năng ngoại ngữ tiếng Nhật, tiếng Hàn. Với khả năng ngoại ngữ tốt, NLĐ có thể nắm bắt để thực hiện tốt công việc được giao và từ đó có thể nâng cao trình độ kỹ năng làm việc. Thị trường Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu và Trung Đông cần NLĐ được đào tạo ở những ngành, nghề và công việc làm trong nhà máy, công xưởng, công trình xây dựng”, ông Nguyễn Gia Liêm cho biết.
Bên cạnh đó, một số thị trường lao động ngoài nước đang có nhu cầu cao về NLĐ có trình độ chuyên môn để làm việc trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, tài chính, du lịch, công nghệ thông tin… nhưng đòi hỏi NLĐ phải đạt được trình độ ngoại ngữ phù hợp.
Hiện nay, phần lớn NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường trọng điểm là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước khu vực Đông Âu. Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng số NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 81.429 người, trong đó phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản 45.754 người; Đài Loan (Trung Quốc) 29.987 người; Hàn Quốc 1.523 lao động; Singapore 1.292 người; Đông Âu: 1.242 người…; còn lại các thị trường khác.
Trên 80% số lượng người đi làm việc tại nước ngoài hàng năm làm việc ở các lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhà máy, công xưởng. Các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng, hộ lý làm việc tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi), nông nghiệp, xây dựng cũng là những ngành nghề mà quốc gia, vùng lãnh thổ có nhu cầu tiếp nhận nhiều NLĐ nước ngoài.
Theo Báo Tin tức