Nhọc nhằn mùa lưới cá khoai

Để đánh bắt được những con cá khoai tươi rói ngư dân phải quăng quật với những cơn sóng lớn hàng giờ liền

Cứ về quê chơi vào cuối tuần là sáng nào tôi cũng thức dậy khá sớm cùng tiếng lục đục của mẹ chồng chuẩn bị đồ cho ba đi biển. Nói là chuẩn bị vậy thôi chứ hành trang ba mang theo cũng đơn giản lắm, gói bánh, bi đông nước trà ấm, bộ áo mưa và chiếc điện thoại “cục gạch”.

Ba bước chân ra khỏi nhà, tôi nhìn đồng hồ mới hơn 4 giờ sáng, trời mùa đông nên ngoài trời vẫn tối đen. Một lát sau, trời bắt đầu đổ mưa, mặc dù mưa không lớn, nhưng tôi biết chuyến biển này ba sẽ vất vả hơn vài phần.

Trời cũng bắt đầu trưa, nấu xong bữa trưa, cơm canh dọn sẵn lên mâm, tôi cũng tranh thủ chạy ù ra biển để cùng mẹ chồng, các cô, dì đợi thuyền cá trở về.

Khoảng gần 11h trưa, mưa cũng đã tạnh, những chiếc thuyền đầu tiên của các chú, bác ngư dân bắt đầu cập bến. Thuyền quay lên bờ, những chiếc thùng xốp, thùng đá được bê xuống khỏi thuyền lộ ra những con cá khoai ú nụ, tươi cong.

Trên bãi biển của làng Mỹ Khánh, Phú Diên chỉ có vài chục chiếc thuyền đánh bắt gần bờ ra khơi, đi về trong ngày có khi là trong buổi. Thường thì mỗi chiếc thuyền có hai ngư dân đi chung nhau, thành quả chia đều.

Trên bờ biển tấp nập, náo nhiệt, những người phụ nữ vội vàng chạy ra hướng biển để đón thuyền của mình về, phụ quay thuyền, mang cá lên bờ. Thấy thuyền của ba nhấp nhô rẽ sóng vào bờ, tôi cũng vội xách đôi dép theo mẹ ra đón. Trở về sau chuyến biển mệt nhọc, nhưng thấy những người phụ nữ của mình phấn khích ra phụ, ba và dượng vẫn không quên nở nụ cười thật tươi, cùng câu nói tếu: “Hai anh em tui đi cả sáng được chừng ni, chừ “nộp” lại cho hai “mụ” đó”.

Sau lời nói, nụ cười đó, tôi vẫn cảm nhận được sự vất vả, mệt nhọc của ba. Bởi mùa cá khoai là mùa biển động, sóng không êm dịu như mùa câu mực, mùa cá đục… Hàng giờ đồng hồ quăng quật với những cơn sóng, có khi là dầm mình dưới mưa, hay những cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông thì những ngư dân tuổi trung niên như ba tôi sẽ càng thêm vất vả.

Những ngày trời mưa, chồng tôi cũng không muốn ba đi biển, nhưng ba vẫn hay tặc lưỡi: Không đi tiếc lắm, mùa kiếm gạo mà con, ngày nào mệt quá ba nghỉ ở nhà, đừng lo.

Sau khi cá được bán cho thương lái, cẩn thận xếp lại tay lái cho chuyến biển ngày mai, dượng Bé (60 tuổi, bạn thuyền của ba) chia sẻ: Đi biển thì vất vả rồi, nhưng mùa cá khoai càng vất vả bởi đây là mùa thời tiết không thuận lợi. Nhưng biển có sóng cá mới nhiều. Có khi cá đầy lưới, hai anh em phải dùng hết sức mới kéo được lưới lên. Ngồi trên thuyền, chồng chềnh theo những cơn sóng, đôi bàn tay đỏ rát khi kéo lưới nhưng bù lại là những thùng cá đầy ắp, có khi cả tôm, ghẹ…

Cá khoai gần bờ luôn được bán với giá cao, bởi cá được đi về trong ngày, tươi ngon, khi ăn thịt cá khác hẳn cá được đánh xa bờ nên dù vất vả các ngư dân đều tranh thủ ra khơi, có khi là ngày hai chuyến.

Sau nửa ngày đạp sóng vươn khơi, thuyền anh Quỳnh (45 tuổi) trở về với gần 1 tạ cá khoai tươi cong. Là thuyền cập bến sau cùng, cũng là thuyền thu về nhiều cá nhất trong ngày. Bởi tuổi còn trẻ, có sức nên chuyến biển nào anh cũng gắng sức để thành quả thu về tốt hơn. “Năm nay mùa biển cũng khá bấp bênh, sản lượng đánh lại giảm sút, nên đến mùa lưới cá khoai ai cũng tranh thủ đi để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho tết và bù lại những ngày bão thuyền nằm bờ. Với những người làng biển như chúng tôi, biển chính là cuộc sống, nó không đơn thuần chỉ là mưu sinh, mà là duyên là nghề cha truyền con nối. Nghề biển, rủi ro luôn tiềm ẩn nên đâu ai biết trước mà lường. Vì thế, mỗi khi ra khơi, chúng tôi không những tập trung đánh bắt mà cũng “ngó nghiêng” thuyền hàng xóm, nhất là những thuyền của các chú trung niên, để có gì còn kịp thời hỗ trợ lẫn nhau”, anh Quỳnh trải lòng.

Mùa cá khoai, mỗi chuyến biển, một thuyền thu về từ 1 triệu đến chục triệu đồng mỗi ngày. Đây là mức thu nhập không nhỏ, nhưng các ngư dân cũng đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức và cả những hiểm nguy luôn rình rập. Nghề nào cũng vậy, để có được thu nhập cao thì phải đánh đổi sức lao động, nghề biển cũng không ngoại lệ. Chỉ mong sao vào mùa gió chướng, những cơn sóng bớt hung dữ, những cơn mưa bất chợt đừng quá nặng hạt để những chiếc thuyền vẫn yên tâm bám biển, đạp sóng ra khơi, để những người phụ nữ làng chài được tíu tít chuyện trò bên bờ biển khi đợi những chuyến biển trở về, cùng nụ cười trọn vẹn.

Một mùa cá khoai nữa lại về, mong cho những chiếc thuyền ra khơi đều trở về với cá đầy khoang, được giá, để bà con làng biển có một cái tết thật ấm no, đủ đầy.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Chắp cánh ước mơ

“Chắp cánh ước mơ” là câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình vượt lên …