Nhầm!

Nhầm lẫn là “Chuyện thường ngày ở huyện”, có thể xảy ra ở bất cứ đâu, lứa tuổi nào, do sơ suất, vô ý, chủ quan hay bệnh lý… Đáng nói, có nhầm lẫn vô hại, lúc nhận ra làm mọi người bật cười sảng khoái, lan tỏa năng lượng tích cực, khiến ai nấy cảm thấy “cuộc sống mến thương”. Song cũng có những nhầm lẫn gây bức xúc, ân hận, bao năm rồi vẫn chưa nguôi.

Hồi sinh con đầu lòng, cô kế toán trường vợ tôi gọi điện báo nộp giấy chứng sinh để làm chế độ thai sản, tôi đáp đã nộp đầy đủ, cô bảo phải là bản chính, ngoài Phòng không chấp nhận bản sao. Nghe vậy, tôi gay gắt: bản chính phải đưa cho phường làm giấy khai sinh, bản sao có chứng thực giá trị như bản chính sao lại không chấp nhận, ai nói thế tôi sẽ ra gặp trưởng phòng, thậm chí cả bí thư, chủ tịch huyện hỏi cho ra lẽ; cô kế toán gác máy.

Không biết có phải thế chăng mà 2 năm sau, vợ tôi mới nhận được chế độ thai sản? Chỉ vì muốn giải quyết cho ổn thỏa, nhanh chóng, cô kế toán mới nhắc tôi thực hiện theo yêu cầu của bộ phận chức năng cấp trên, đâu phải cô bày ra. Còn tôi, bực bội với yêu cầu vô lý của người khác nên nổi nóng với cô kế toán. Hơn 20 năm sau, gặp lại vợ tôi, cô vẫn nhắc lại chuyện xưa, khiến tôi giật mình bởi giây phút thiếu kiềm chế.

Cũng liên quan chuyện giấy tờ, trúng tuyển vào lớp 10 Trường phổ thông cấp 3 Hương Trà (1979), nay là Trường THPT Đặng Huy Trứ, tôi cùng nhiều bạn bè đến nộp hồ sơ nhập học. Rút tờ giấy khai sinh ra khỏi bì, thầy giáo tiếp nhận, sau khi vào học mới biết thầy tên V. , dạy vật lý lạnh lùng bảo: Dấu mực đen, không giá trị, về làm lại! Mới tí tuổi đầu, bảo sao nghe vậy, tôi le te chạy vào UBND xã, xin làm mới giấy khai sinh, được cấp lại, con dấu đỏ tươi. Tốt nghiệp phổ thông, đại học, đi làm, qua bao lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, pháp luật…, gần nghỉ hưu, tôi mới tâm sự với đồng nghiệp lại là đồng hương về chuyện này và than rằng: giá lúc đó có ai hỏi vì sao giấy khai sinh của tôi không có giá trị, chắc thầy V. chống chế rằng tôi học vật lý chứ đâu học pháp lý!

Một văn bản sai hoặc không có giá trị phải có một văn bản chính thức phủ nhận, các loại giấy tờ văn bản khi đó đóng dấu màu nào là do cấp có thẩm quyền quy định. Bên cạnh, cán bộ hộ tịch của chính quyền cơ sở thuở ấy tham mưu cấp lại giấy khai sinh cho tôi không đúng, vì lấy gì bảo đảm những thông tin trong giấy khai sinh là chính xác. Đã là bản chính thì chỉ có một và duy nhất, đâu dễ dàng, tùy tiện cấp phát, còn lại là bản sao, trước 1975 ở miền Nam gọi là phó bản. Điều này giải thích giấy chứng sinh phải nộp cho UBND phường xã làm căn cứ cấp giấy khai sinh, không thể đưa cho kế toán làm chế độ thai sản.

5 năm trước, cháu V. sinh viên Trường ĐHAN về đơn vị tôi thực tập, một hai thưa bác với tôi. Nghe “hoành tráng” quá, tôi hỏi ba cháu năm nay bao nhiêu, cháu đáp 73, tôi bảo bữa nay gọi chú được rồi, bởi 73 tuổi hơn cả tuổi anh đầu của tôi. Ít năm sau, cháu cưới vợ, bận không dự được, tôi chạy về nhà cháu phía sau cánh đồng Thanh Lam đưa quà mừng, rồi đứng nói chuyện trước cửa ngõ, thấy người đàn ông đi ngang cười cười ra vẻ chào, cháu bảo – ba cháu. Tôi giật mình, hỏi kỹ, té ra ba cháu sinh năm 1973, lâu nay tôi cứ ngỡ 73 tuổi.

Và, vào giữa tháng 8 âm lịch vừa rồi, họ vợ tôi tổ chức khánh thành tiền đường nhà thờ họ, đông đảo con cháu khắp mọi miền về dự. Vào mâm, một cụ già râu tóc bạc phơ, khăn đóng áo dài nghiêm chỉnh, chạy tới vỗ vai: ăn mạnh lên các cháu! Mọi người ngoảnh lại, thấy bảng tên của cụ có đề thế thứ, ồ lên cười ngặt nghẽo, vì cụ đời thứ 13, các “cháu” cụ vừa đến mời mọc, động viên đời thứ 11! Biết chuyện, cụ “một đi không trở lại”.

Mong rằng, cuộc đời còn nhiều chuyện nhầm lẫn đáng yêu như thế và cũng mong người trong cuộc nhận lời xin lỗi muộn màng của tôi nếu đọc được những dòng này.

Hà Xuân Huỳnh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …