Người trẻ và Zèng

Những sinh viên lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh lên vùng cao A Lưới để tìm hiểu về Zèng của người Tà Ôi

Trong rất nhiều người tìm về A Lưới để tìm hiểu Zèng, có không ít người trẻ. Họ thấy Zèng không chỉ là một loại sản phẩm, mà qua đó còn hiểu thêm về văn hóa truyền thống, đời sống và nét đẹp của những người làm ra nó.

Từ phương Nam ra Huế xem Zèng

Một ngày cuối tháng 2, hơn 50 sinh viên của Trường đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) đến Huế đã cùng nhau hẹn tại Ga Huế để xuất phát đi A Lưới. Nơi họ đến là một địa chỉ làm Zèng nổi tiếng của huyện vùng cao ở dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ: làng A Hươr, xã Quảng Nhâm.

Gần hai giờ di chuyển, qua rất nhiều con đèo, dốc ngoằn ngoèo, hình ảnh đồng bào làng A Hươr ngồi bên hiên nhà dệt Zèng hiện ra trước mắt đã xua tan cái mệt mỏi trong mỗi bạn trẻ.

“Nghe nói về Zèng khá nhiều, đọc xem Zèng qua các kênh thông tin đại chúng cũng như cầm tận tay các sản phẩm, nhưng ngay giờ đây mình mới tận mắt thấy được các cô dì thao tác dệt từng tấm Zèng”, Hà My – cô sinh viên năm 3 của ngành Thiết kế thời trang (Khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường đại học Văn Lang) hào hứng.

Bạn trẻ chụp ảnh một chiếc khăn choàng cổ từ chất liệu Zèng

Ánh mắt Hà My quan sát kỹ từng chi tiết cũng như đôi bàn tay thoăn thoắt của người nghệ nhân đang thao tác trên khung dệt. Điều làm Hà My bất ngờ có lẽ là những hạt cườm được đính một cách tài tình, và chính cườm đã tạo hồn cho những sản phẩm của Zèng. Hà My thật thà: “Cầm Zèng trên tay thấy cườm tạo ra những hoa văn rất đẹp nhưng chứng kiến cách đính cườm, tạo ra những hoa văn, họa tiết ấy mới hiểu là chuyện không hề đơn giản, vô cùng tốn kém công sức và thời gian”.

Cũng như Hà My, các sinh viên cùng lớp đã đi từ ngỡ ngàng này đến những hào hứng khác. Không chỉ họa tiết trên Zèng, mà những sản phẩm như khăn choàng cổ, túi xách… với những họa tiết hiện đại đã được các nghệ nhân Tà Ôi vùng cao A Lưới biến tấu, cách điệu một cách điêu luyện.

“Những nghệ nhân ở đây không chỉ gìn giữ văn hóa, bản sắc bản địa mà còn biết cách điệu, bắt kịp với xu hướng thời trang hiện đại”, nhiều bạn sinh viên có chung nhận định khi được các nghệ nhân cho xem nhiều sản phẩm được tung ra thị trường.

Giữa tiếng trò chuyện cười vui, Thu Thảo – một sinh viên trong đoàn đã xin được chụp hình ảnh cụ bà trong bộ trang phục làm từ Zèng được đính rất nhiều cườm, với rất nhiều họa tiết. Thảo cũng tỉ mỉ chụp cận cảnh từng chi tiết.

Và khi hỏi ra mới biết, đó là một bộ đồ được người con gái của bà tự tay dệt để tặng mẹ. Trên sản phẩm Zèng, càng nhiều cườm cho thấy sự sang trọng và tình cảm của người tặng. “Mình còn được bà cho biết, thường những bộ trang phục này chỉ mặc vào những sự kiện, lễ hội quan trọng của bà con trong làng, hay đón những vị khách phương xa đến thăm, tìm hiểu về trang phục Zèng”, Thu Thảo chia sẻ.

Để yêu hơn văn hóa truyền thống

Không chỉ tìm hiểu thực địa về Zèng, những bạn trẻ còn được các chuyên gia, nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm của Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế chia sẻ rất nhiều thông tin quan thú vị khác. Đó là tổng quan về người Tà Ôi ở Việt Nam, ở A Lưới và những đặc trưng văn hóa của họ, từ tổ chức bản làng, tổ chức xã hội, đời sống nương rẫy, phong tục tập quán, chu kỳ đời người, ẩm thực… cho đến vốn văn nghệ dân gian.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn (Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế) cho hay, các bạn trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh không chỉ tìm hiểu kỹ mà họ còn ghi chép, chụp ảnh, quay phim cẩn thận về những gì “mắt thấy tai nghe”.

Theo nhà nghiên cứu Bảo Đàn, việc đưa sinh viên tìm hiểu thực tế không chỉ giúp họ hiểu về Zèng mà qua đó giúp quảng bá sản phẩm Zèng của người Tà Ôi, với tư cách như là bộ phận điển hình còn bảo lưu nghề dệt với kỹ thuật nguyên thủy trên địa bàn miền núi Bắc Trung bộ.

“Dưới góc độ của ngành thiết kế thời trang, chất liệu Zèng luôn mang lại sự hấp dẫn. Đây là sức hút tự thân của một loại hình sản phẩm dệt hàm chứa những vẻ đẹp nguyên sơ, bên cạnh đó là sự tìm tòi, thể nghiệm chất liệu mới trong thiết kế thời trang”, nhà nghiên cứu Bảo Đàn phân tích. Chuyên gia này còn cho rằng, cuộc gặp giữa sinh viên và Zèng không chỉ thú vị mà còn hứa hẹn nhiều hiệu quả cho cả hai phía.

ThS. Phan Quân Dũng – Trưởng khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường đại học Văn Lang, người dẫn sinh viên ra Huế tìm hiểu Zèng – nói rằng, từng có thời gian các trường đào tạo nghệ thuật quên đi các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Cho đến mãi tận sau nay, việc nghiên cứu, tìm hiểu các loại hình đó mới được các trường lưu tâm.

“Riêng chúng tôi, từ năm 2012, đã kết nối Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế để đưa sinh viên ra Huế nghiên cứu, học hỏi các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, trong đó có dệt Zèng ở A Lưới”, ông Dũng nói. Những chuyến đi này, theo ông Dũng đã thắp lên ngọn lửa, cũng như hy vọng việc tiếp cận này giúp sinh viên hiểu và yêu thêm văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung và Huế, mà đặc biệt là dệt Zèng của A Lưới nói riêng.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho biết, vừa gìn giữ được bản sắc nghề truyền thống nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu hiện đại là câu chuyện không hề đơn giản.

Những cuộc gặp gỡ giữa sinh viên ngành thời trang và những người nghệ nhân tạo ra sản phẩm truyền thống như Zèng hy vọng sẽ mở ra cơ hội từ việc quảng bá, tạo ra những sản phẩm hiện đại, cũng như hỗ trợ nhau trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa.

“Các bạn trẻ không chỉ tìm hiểu mà còn đồng hành với bà con, giúp bà con đa dạng hóa sản phẩm, góp phần giúp họ vừa gìn giữ được nghề truyền thống nhưng vẫn sống được với nghề”, TS. Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Bài, ảnh: Phan Thành

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …