Bỡ ngỡ làm gốm
Ngôi làng yên bình
Tôi may mắn có dịp cùng đoàn sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học và Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đến thăm ngôi làng cổ Phước Tích.
Chúng tôi theo chân bác trưởng đoàn đi tham quan các công trình cổ. Mọi người trong đoàn ai nấy cũng trầm trồ với hệ thống đình, chùa, đền, miếu, nhà rường cổ nơi đây. Các bạn sinh viên vừa thích thú tham quan, vừa tranh thủ chụp ảnh làm tư liệu và chọn cho mình một góc ấn tượng của ngôi làng, chuẩn bị cho hoạt động ký họa vào buổi chiều.
Chúng tôi được đến thăm các ngôi nhà rường cổ của các cụ trong làng. Hầu hết những ngôi nhà ở làng Phước Tích đều là nhà rường ba gian hai chái, với cấu trúc nhà vườn đặc trưng của người Huế. Đây là những ngôi nhà rường rất đặc biệt, không chỉ bởi nét cổ kính, mà vì nơi đây còn lưu lại rất nhiều bộ sưu tập gốm cổ độc đáo – là sản phẩm nghề gốm đặc sắc của làng.
Bác trưởng đoàn chia sẻ: Sản phẩm của gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, có màu sắc khác nhau. Các sản phẩm sau khi nung, dù không tráng men vẫn có lớp men nổi bên ngoài, không bị thẩm thấu. Những sản phẩm gốm của Phước Tích từ xa xưa đã được người làng trân quý và dâng lên cho vua chúa triều Nguyễn”.
Tự tay làm gốm
Để chúng tôi hình dung rõ hơn về cách tạo nên một sản phẩm gốm truyền thống Phước Tích, bác trưởng đoàn dẫn chúng tôi đến một lò gốm gần đó. Chúng tôi đứng xếp vòng tròn xung quanh các nghệ nhân. Chiếc bàn xoay cứ quay đều, quay đều. Với kỹ thuật điêu luyện, chỉ trong chốc lát, khối đất sét thô kệch đã hóa thành hình dáng chiếc bình gốm tự bao giờ, khiến Nguyễn Tường Vy, cô nữ sinh kiến trúc đứng bên cạnh tôi phải thốt lên: “Thật là kỳ diệu!”.
Nhìn các cô chú nhào nặn thoăn thoát, ấy vậy mà khi tự tay mình thực hành mới biết thật không dễ dàng gì. Bởi đây là lần đầu được làm gốm nên tôi có phần run rẩy, vụng về, không biết làm sao đuổi kịp chiếc bàn xoay. Rất may với sự giúp đỡ tận tình của các cô chú và các bạn, tôi đã hoàn thành tác phẩm gốm của mình, mặc dù không được tròn trịa và đẹp mắt lắm.
Buổi chiều, trời ngớt mưa. Chúng tôi chia thành nhiều nhóm nhỏ di chuyển đến các địa điểm trong làng để tìm góc ký họa khung cảnh nơi đây. Ngay từ lúc tham quan vào buổi sáng, nhóm chúng tôi đã rất ấn tượng với căn nhà rường của bác Lê Trọng Phú.
Ngôi nhà được bao quanh bởi hàng chè tàu xanh mướt, có sân gạch và ngói liệt lợp đều là sản phẩm gốm của làng. Trong sân nhà có bức bình phong, phía sau là bể nước tạo nên một khung cảnh rất yên bình và nên thơ. Nhóm chúng tôi chia nhau công việc. Ai cũng vui vẻ và cố gắng hết sức để đưa được nét đẹp nơi này vào trong tác phẩm ký họa.
Kết thúc chuyến đi, chúng tôi dành tặng các tác phẩm tranh ký họa cho làng Phước Tích để phục vụ cho trưng bày và quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng được nhận lại cho mình những món quà lưu niệm là những chiếc bình gốm nhỏ do chính tay chúng tôi làm nên từ buổi sáng. Ai nấy đều rất thích và trân quý, bởi đây là thành phẩm mà mình đã tự tay làm, gợi nhắc về một chuyến tham quan đáng nhớ .
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH