Người gieo duyên lành

Chị Khẩn hướng dẫn các em dự tuyển học bổng

O Khẩn – Hoàng Kim Khẩn, của các bạn sinh viên (SV) không xa lạ với giới truyền thông khi o là một trong 10 phụ nữ tiêu biểu Vì cộng đồng năm 2022 được Hội LHPN tỉnh tuyên dương. Gọi điện xin o một cuộc hẹn thật khó. O bảo, mưa như trút kiểu ni đường vô nhà o cũng ngập nửa bánh xe. Sáng nay, cả thúng bánh mì còn đầy ắp không biết có lội lụt đi bán được không? Thất thu là thấy rõ nhưng giọng o vẫn lạc quan như đã quen với những đợt lụt kéo dài ở vùng thấp trũng và cả những khó khăn liên tục cứ bủa vây.

Tôi về gặp o, nhà đông người, ba bốn cô cậu SV cứ ríu rít chuyện trò. O Khẩn thủ thỉ, em ngồi đó chơi, chị hướng dẫn cho mấy cháu làm hồ sơ dự tuyển học bổng báo Tuổi Trẻ và trang Hiếu học Huế. Làm không chu đáo, trật cái tội lắm, chơ đứa mô cũng cực. Bọn hắn học giỏi lắm nhưng chưa biết kể lại câu chuyện của mình mô. Chỉ cần tui hướng dẫn là nhiều em có cảm xúc, viết rất hay, dự tuyển các học bổng đều được ngay…

Tôi ấn tượng với Nguyễn Khoa Hạnh Đoan, cô SV năm 2 Trường đại học Nông Lâm khi nghe câu chuyện của em. Ba chẳng may bị tai nạn lao động, nằm một chỗ. Mẹ em cũng đau ốm triền miên nhưng lại là lao động chính trong nhà có 4 người. Gánh hàng rong của mẹ trở nên nặng trĩu khi bao khoản phải lo cho em vào đại học. Em tính nghỉ học để đi làm thêm thì o Khẩn biết chuyện. O giúp em viết đơn gửi đến báo Tuổi Trẻ và em được nhận học bổng 10 triệu đồng. Năm học ni, em chẳng biết xoay xở vào đâu nên lại đến nhờ o Khẩn tìm “mạnh thường quân” để có tiền đóng học phí, giọng Đoan trầm buồn.

Mỗi em là một cảnh đời và là một câu chuyện éo le khi tìm đến chị. Đa phần đều là hộ nghèo, mồ côi bố hoặc mẹ và có nguy cơ nghỉ học giữa chừng. O Khẩn đính chính, không phải tui đi xin học bổng mô nghe. Tui tìm hiểu các chương trình học bổng để giúp các em dự tuyển. O Khẩn nhớ rành rọt, năm 2015, tui giúp các em viết 5 thư dự tuyển, nhưng có 4 bài được nhận học bổng với tổng số tiền 20 triệu đồng. Năm 2016, có 5 bài được gửi đi và rất may mắn có 3 bài được chọn và nhận được 21 triệu đồng. Năm 2017, có 2 bài được nhận học bổng với số tiền 14 triệu đồng. Những năm gần đây, tiếng lành đồn xa, mỗi năm o giúp từ 10 đến 15 em dự tuyển và tỷ lệ thường đạt 100%…

Chị Khẩn nấu cơm từ thiện hỗ trợ người nghèo

O Khẩn đưa cho tôi xem nhiều bức thư của các em viết xin tài trợ. Hay và cảm động. Tôi hỏi o bí quyết để giúp các em có nhiều cảm xúc để xin học bổng được ngay. O cười hiền, tui không biết nhiều chữ mô, học xong 12 thì nghỉ học. Nhưng để các em có được một bức thư dễ xin học bổng, bản thân các em phải thực sự khó khăn, có thành tích học tập tốt và điều quan trọng là phải có ước mơ, có định hướng tương lai…, thì mới có sức thuyết phục nhà tài trợ. Em mô không viết được thì tui chắp bút. Hồi trước viết thư tay, nhiều lá thư viết xong, nước mắt chảy dài trên trang giấy, phải viết lại…

Làm từ thiện lắm lúc gặp duyên, o Khẩn bộc bạch. Năm 2017, có nhà tài trợ xin được giấu tên đã tài trợ cho 14 em có hoàn cảnh thực sự khó khăn với số tiền 1,4 triệu đồng/quý, từ cấp tiểu học đến học hết trung học phổ thông. Ngót nghét cũng hơn 10 năm, o cũng đã giúp hơn 70 em đăng ký tìm học bổng với trị giá hơn 1 tỷ đồng. Có người dúi cho o ít tiền để trả công, giọng o chùng xuống, không đời mô tui lấy, khó thì đã khó rồi, thương bọn nhỏ không hết…

O Khẩn kể về cơ duyên “viết hộ” cho học sinh nghèo khi chính mình là người trong cuộc rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhà có hai cậu con trai đều học giỏi, cả hai đều học đại học kinh tế và công nghệ thông tin thuộc Đại học Huế. Nhưng trong năm 2012, con có nguy cơ bị nghỉ học giữa chừng, chồng bị tai nạn lao động, mù mắt, o làm thuê, làm mướn mà cũng không đủ ăn. Trong lúc khó khăn, tình cờ, o được một người bạn chuyển cho đường link để xin học bổng cho con. Như người “chết đuối vớ được cọc”, o viết một mạch cả 5 trang giấy với nhiều cảm xúc… Năm ấy, con o đã nhận được học bổng 5 triệu đồng từ báo Tuổi Trẻ. Hai mẹ con mừng lắm. Cậu con cả như trút được gánh nặng mỗi khi nhà trường thông báo danh sách SV chưa nộp học phí.

Trong ngôi nhà vừa mới hết tang của người chồng, o Khẩn ngậm ngùi, chồng mình được ghép giác mạc, thấy ánh sáng được một thời gian thì mất vì đột quỵ. Trải qua những khó khăn, nhưng o bảo, điều thấy vui nhất là khi được mọi người tin tưởng. Năm 2010, thời điểm đó o được Thành đoàn Huế xóa nhà tạm và cũng đang ở diện hộ

nghèo. Thế nhưng, vẫn được Hội LHPN phường giao làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Đầu tiên, o vay vốn để đầu tư mua xe bánh mì và mở quán bún nhỏ với mong muốn thoát nghèo. Mỗi sáng, o thức giậy lúc 3 giờ sáng để nấu bánh canh, lấy bánh mì để đi bán. Hiểu được hoàn cảnh của o Khẩn nên Công ty Chế biến Thủy hải sản đã tạo điều kiện cho o được bán trước cổng công ty. Cuộc sống dần ổn định, o nuôi được hai con ăn học đến nơi, đến chốn. Từ đó, o mạnh dạn tuyên truyền cho chị em phụ nữ nghèo vay vốn và biết tiết kiệm, tích lũy trong sản xuất, kinh doanh để thoát nghèo bền vững.

Chừ thì o Khẩn được người dân quanh vùng tín nhiệm lắm. Dù gì, o cũng nằm trong Ban Thường vụ Hội LHPN phường Thuận Lộc và là người được Nhân dân tín nhiệm bầu vào Đại biểu HĐND phường Thuận Lộc nhiệm kỳ 2021-2026. Chính điều này giúp o có dịp gặp gỡ và nắm được hoàn cảnh khó khăn của người nghèo nhiều hơn. O xòe đôi bàn tay và đếm những trường hợp mình đã giúp. Gần đây nhất là hỗ trợ hội viên thuộc hộ nghèo chết nhưng không có tiền lo mai táng; hỗ trợ hội viên mổ tim; hỗ trợ con của hội viên bị tai nạn…

Tôi hỏi điều gì làm o cảm thấy ấn tượng trong hành trình thiện nguyện của mình, o cười hiền, có rất nhiều em được nhận học bổng đã vươn lên học giỏi. Sau này đỗ đạt đã quay lại giúp đỡ các bạn học sinh nghèo. Đó là điều mà o tâm đắc và cảm thấy ấm lòng…

Bài, ảnh: HUẾ THU

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …