Nghề xưa giữa chợ

Ông Tý gắn bó với nghề dán áo mưa ở chợ Đông Ba đã gần 4 thập niên. Ảnh: Lê Hương

Cách đây chưa lâu, tôi đã ghé chợ Đông Ba và tình cờ gặp những người thợ làm nghề dán áo mưa. Ông Tý đã ngồi ở chợ Đông Ba gần 4 thập niên qua, cần mẫn hành nghề kiếm sống. Hỏi ông về nghề dán áo mưa, ông liền nheo mắt cười: “Cái nghề của tui ngó rứa mà quan trọng lắm đó nghe. Đó là nghề lo chuyện che mưa che nắng, đạp đất đội trời cho thiên hạ!”.

Mùa nắng ông khâu giày dép đứt, sửa mũ bảo hiểm bị hư hỏng. Mùa mưa ông quay sang dán áo mưa.Theo lời kể của ông Tý, thì nghề chính của ông chính là dán áo mưa. Cái nghề này đã có thời khá thịnh, cả chợ Đông Ba có đến mấy chục người làm. Người ta mua những tấm ni lông nhờ ông dán thành những bộ áo mưa; rồi những chiếc áo mưa bị rách cũng được đưa tới ông dán lại cho lành lặn…

Đó là chuyện cách đây đã mấy chục năm rồi. Áo mưa rẻ dần, rồi những chiếc áo mưa tiện lợi ra đời. Thế là những người làm nghề dán áo mưa vốn chỉ đắt hàng khi mùa mưa đến thưa dần, thưa dần… Đến bây giờ, thì cả chợ Đông Ba chỉ còn hai cha con ông Tý hành nghề này. Nhưng ông Tý quyết không bỏ nghề.

Ông Tý ngồi dán áo mưa ở đầu này chợ thì ở đầu kia chợ, con trai ông, anh Hải cũng theo nghề của cha. Cả hai cha con đều nói rằng vẫn sống được với nghề. Những người nghèo, bà con quanh chợ vẫn tìm đến cha con họ để dán áo mưa cũ. Thỉnh thoảng lại có người đặt dán áo mưa mới.

Rồi còn một nghề xưa ở chợ Đông Ba nối hiện tại với quá vãng nhớ thương mà tôi chưa kịp nhắc đến khi thời lượng chương trình có hạn – đó là nghề gò… Lại nhớ một buổi chiều năm cũ, tôi ghé lại bến đò Đông Ba xưa. Bến đò nay đã thay bằng bãi giữ xe nghe nói là đã 3 năm rồi. Chẳng còn dấu tích chi của một bến đò lớn tấp nập của ngày nào.

Không đò, không bến cũng chẳng còn cái quán cơm bụi quen. Nhưng vẫn còn đó anh thợ gò năm cũ. Cái nghề gò nhôm này tưởng đã thất truyền khi đồ gia dụng sản xuất công nghiệp bán đầy rẫy chợ phố đến quê. Rứa mà nó vẫn còn chốn để mưu sinh nơi góc vắng thị thành. Nghề gò nhôm hồi xưa thịnh lắm, làng mô cũng có ít nhất một hai ông thợ gò những đồ gia dụng từ cái thùng, cái mâm, cái ca uống nước và nhiều nhất là xoong nồi. Sau này nghề gò có thêm nghề hàn và gọi tên chung là nghề gò hàn, nhưng lối trước chỉ có gò mà thôi không có hàn, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ và phải có con mắt mỹ thuật nữa… Ngôn ngữ xứ Huế có từ “gò gái” nghe ngộ lắm có lẽ bắt nguồn từ nghề gò phải khéo léo và kiên trì nữa, chứ không khơi khơi mà gò gái được mô…

Nhớ hôm đó đang tiết đông lạnh nhìn anh thợ gò đang cần mẫn gò mấy cái xoong, bên cạnh có thêm mấy bác lao động phổ thông ngồi quanh đống củi đỏ nhân quần mà thấy lòng ấm lạ! Bây chừ anh thợ gò bên chợ Đông Ba không còn nữa, không biết anh dọn đi nơi khác hay đã bỏ nghề…

Chợ Đông Ba như một gia đình lớn cưu mang những người nghèo. Là cha con ông Tý dán áo mưa, là anh Thành thợ gò, mấy anh thợ làm khóa và cả những người bốc vác thuê ở khu tự sản tự tiêu, hay cái lầu may với những người thợ may áo quần hàng chợ. Cách đây chưa lâu, bến đò Đông Ba tấp nập trên bến dưới thuyền, người đi kẻ lại. Đường sá hoàn thiện, hệ thống xe bus ra đời, thế là các phương tiện vận chuyển đường thủy thoái trào. Bây chừ bến đò Đông Ba cũ đã thành một bãi giữ xe. Có một nghề nữa ở bến đò chợ Đông Ba nay không còn nữa, đó là nghề đưa đò ngang qua sông…

Phi Tân

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …