Mưa để dành

Tôi nhớ những năm tháng còn đi học, trời ơi, sao hồi ấy mùa mưa Huế kéo dài như vô tận vậy. Khi thì mưa lay phay, lất phất, khi thì mưa ào ạt, dầm dề, bầu trời lúc nào cũng như cái bọng nước khổng lồ, sẵn sàng xả xuống không biết khi nào ngưng. Mùa đông Huế mưa dầm là chuyện bình thường, ít mưa mới là chuyện lạ. Nhưng cái điều tưởng chừng lạ của thời tiết đang diễn ra, ngày càng rõ rệt hơn.“Thời tiết Huế bây giờ như Sài Gòn”, tiếng bạn đầy vẻ hiểu mùa.

Hương thơm ly cà phê Espresso như cũng quấn quýt với bạn và tôi bên khung cửa sổ của quán quen, nhìn ra thấy cây sung già với những chùm quả chín đỏ thong dong chi chít trên cành. Những chấm đỏ gợi tôi nhớ đến một người anh họa sĩ vẽ tranh bằng ngón tay. Tranh anh vẽ đò, cảnh vật Huế luôn chìm trong màn sương mờ ảo và cái chấm đỏ huyền diệu ấy kéo lòng người đến với miền sống ấm áp và hy vọng. Có phải sức mạnh của màu là vậy không mà vừa chạm vào ô cửa đẹp như tranh ấy, bạn dịu dàng đến không chịu nổi khi nói rằng “nắng mùa đông Huế mềm như lụa, cả một vạt nắng vàng nhẹ nhàng hong khô từng chiếc lá sau cơn mưa đêm qua”. Bạn bảo mảng cây xanh bên cửa sổ này “giá trị như vàng” và bạn luôn mong “Huế của tụi mình” mãi giữ được màu xanh của phố, của nhà, của mái tóc thề con gái Huế.

Bạn bảo xa Huế, nhớ và thương Huế nhất là vào mùa đông. Bạn về Huế công tác và mong tìm gặp lại cảm xúc nằm trong chăn ấm nghe tiếng mưa rơi bên hiên nhà như những năm nào. Nhưng xong đợt công tác rồi mà bạn vẫn chưa có được một đêm mưa lạnh mùa đông như thế. Cái sự lạ của thời tiết năm nay và tâm trạng của bạn – người đang tham gia vào dự án bảo vệ môi trường, ngăn ngừa biến đổi khí hậu – tự nhiên thấy lo xa khi nghĩ đến mùa hè năm tới Huế sẽ nóng “kịch liệt”. Nỗi lo của bạn làm tôi cũng lo theo khi nhớ đến những cánh đồng lúa đang phơi đất nghỉ ngơi, chờ mưa để bước vào vụ Xuân, nhớ bàn tay mình mát rượi đất ướt khi cùng anh Minh, chị Cúc ở Diên Trường trồng những bầu cây con vào đất. Hôm ấy trên cánh đồng lộng gió chiều, vợ chồng anh kể về trận lụt cuối tháng chín âm lịch vừa qua mất sạch cả sào bông vừa chớm nụ.

Tôi đã từng nghĩ mùa đông Huế ít mưa thì tốt thôi nhưng những người như anh Minh, chị Cúc lại chờ mưa ngay trong những ngày đông. Đó là những cơn “mưa dầm thấm đất” có ý nghĩa cất giữ nước cho mùa hè nổi tiếng “cháy bỏng” của Huế, hay ngăn mùa hạ không đến sớm, những cơn mưa xuân cho vụ bông tết. Nhớ cách đây ba hay bốn năm gì đó, tháng Chạp mà Huế nắng như mùa hè, bông tết nở sớm, người trồng bông cũng khóc theo. Tự nhiên tôi thấy mình hiểu sâu sắc hơn lời nguyện cầu của cha ông về một năm “mưa thuận gió hòa”. Mưa thuận là mưa đúng mùa, như kiểu mùa đông thì Huế phải mưa nhiều còn “để dành nước trong đất” cho mùa hạ nắng gay gắt. “Huế ít mưa vào mùa mưa, đó cũng là cảnh báo của biến đổi khí hậu”, bạn nói như nhắc tôi về các mùa đang thay đổi, rằng phải nhớ những thước phim tài liệu thế giới về băng tan ở hai cực, về những cánh đồng khô hạn nứt nẻ… rằng tôi phải biết thương mùa mưa dầm của Huế, đó là những cơn “mưa môi trường” nhắc chúng ta giá trị của màu xanh, của nước, cho ta biết lo lắng trước nạn băng tan, hạn hán, sa mạc hóa đất đai đang diễn ra nhanh trên thế giới.

Chẳng biết đã già chưa mà bây giờ nghe mưa lại nhớ những mùa xa lơ xa lắc. Nhớ một thời chúng tôi đã bọc nhau trong tình bạn ấm áp, bọc nhau bằng những củ sắn, củ khoai, bằng những cục kẹo gừng ngọt thơm ở “đảo” cồn Hến, bằng những quyển truyện truyền tay nhau đọc đến mòn cả gáy. Bạn còn thương Huế mùa đông, thương những cơn mưa dầm theo nghĩa mới của môi trường. Tôi tin những người con Huế cũng sẽ hiểu giá trị của những cơn mưa là của để dành cho mùa hạ của Huế.

XUÂN AN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Mới nghĩ thôi đã thấy xa lạ…

Hội lớp 12Đ Quốc Học Huế, NK 1982-1985 đã tổ chức lần đầu sau 25 …