Sông Đông Ba – nơi ngày trước đò dọc di chuyển để vào bến đò chợ Đông Ba
1. Thời mà những chiếc đò dọc còn ngạo nghễ rẽ từng con nước trên phá Tam Giang đã ngót nghét gần 15 năm. Đó là thời điểm mà cây cầu Tam Giang (người dân thường gọi là cầu Ca Cút) nối Hải Dương và Hương Phong (TP. Huế) chính thức được thông xe. Kể từ thời điểm đó, đò dọc mất đi vị trí quan trọng của mình trong đời sống của người dân vùng ven đầm phá. Tiếng máy nổ rền vang trên mặt phá cũng vắng dần. Giờ đây, hình ảnh những chiếc đò dọc một thời chỉ còn là ký ức về một giai đoạn dài phải “lụy đò” mà thôi.
Quay trở lại thời hoàng kim của đò dọc, không ngạo nghễ sao được vì đò dọc ngày đó là phương tiện “vua” trên mặt nước Tam Giang. Bởi đây là phương tiện chính đưa hành khách bên bờ phía đông của Tam Giang, gồm vùng Ngũ Điền (Phong Điền), các xã Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền) để lên phố (TP. Huế). Cũng trên những chuyến đò này, vận chuyển gần như toàn bộ hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật dụng thường ngày, cho đến vật liệu xây dựng cồng kềnh nhất… từ thành phố về cho hàng chục ngàn hộ dân sinh sống bên kia chân phá.
Ngày trước, mỗi xã ở phía bờ đông phá Tam Giang đều có 1-2 chiếc đò dọc. Đò có chiều dài khoảng 13,5m, rộng khoảng 2,5m, đóng bằng gỗ và thép chắc chắn. Ở phần giữa đò (mui đò) đóng trần bằng gỗ, người ngồi trong không bị ảnh hưởng gì dù nắng gắt hay mưa gió. Đò chạy bằng máy dầu. Mỗi chuyến đò có thể chở được 35-40 người.
Những chuyến đò dọc này chạy theo chiều dài phá Tam Giang. Đò về đến Thuận An rồi ngược lên sông Hương để lên trung tâm TP. Huế. Từ khi đập Thảo Long hoàn thành, vào những ngày đóng đập, những chiếc đò sẽ đi đường tắt ở một nhánh nhỏ của sông Bồ tại xã Hương Phong rồi men sông đến ngã ba Sình. Từ đây đò thong dong qua Bao Vinh, sông Đông Ba rồi đến điểm cuối là chợ Đông Ba.
Qua bao nhiêu năm không còn đi đò dọc nữa, khung thời gian đò đi và về vẫn cứ in sâu trong mỗi người dân ở bên bờ phá Tam Giang. Thời gian xuất phát mỗi đò sẽ khác nhau, nhưng đều hẹn nhau một thời điểm ở bến đò Đông Ba vào lúc 10h30. Hành khách xuống và phải lên đò trước 13h30 để trở về. Khách của những chuyến đò dọc rất đa dạng, có tiểu thương, có người đi chơi, người đi thăm thân, người đi học, người đi khám bệnh…
Mỗi chuyến đò rời bến, sau một ngày rẽ con sóng, khi về đến bến quê, là những chiếc đò đầy ắp hàng hóa. Với chuyến đò dọc này, cái gì cũng có thể chở được dù cồng kềnh, nặng nề đến chừng nào đi chăng nữa. Nhộn nhịp nhất là những ngày giáp tết. Chiếc đò “lặt lè” hơn so với ngày thường bởi quá nhiều hàng hóa được vận chuyển về phục vụ ngày tết.
2. Háo hức nhất là đi “ngừa đò” mỗi chiều. Ngừa đò là từ quá quen thuộc và nằm lòng với người dân bên chân phá. Đi ngừa phải sớm, vì chỉ người chờ đò, chứ đò ít khi chờ người. Đợi cả tiếng đồng hồ, hay đôi khi lâu hơn thế vì đò hỏng máy trên đường về, nhưng không hề thấy mệt mỏi vì phía trước là những món hàng, những niềm vui đang chờ đợi được lấy.
Ngừa đò đòi hỏi phải có kỹ năng. Có những ngày thủy triều xuống thấp, đò sợ mắc cạn không thể vào sát bến. Những người đi ngừa đò phải lội bộ ra phá để lấy hàng vào. Không may mắn, hàng hóa rơi xuống nước cũng thường xảy ra.
Sau những lần được ngừa đò, còn có gì tuyệt vời hơn khi được bố mẹ cho một lần ngồi đò để lên phố. Trong ký ức của những đứa trẻ ngày đó, được đi đò dọc là một điều gì đó thật lớn lao, như là một giấc mơ vậy. Bởi một điều hiển nhiên là khi bước lên đò là bắt đầu hành trình để lên Huế. “Lên Huế” là hai từ có lẽ ai may mắn lắm, hoặc gia đình có điều kiện mới có thể đạt được ước mơ. Huế trong mắt của những đứa trẻ vùng bên chân phá là thế giới khác. Nơi mà chợ Đông Ba cái gì cũng có. Nơi mà có đường Trần Hưng Đạo xe cộ tấp nập, rộng hơn cả cái sân đá bóng mà đám bạn mỗi chiều ra đó để vui chơi. Và sau chuyến đi, là những ngày được đám bạn xúm lại, đòi kể ở Huế có những gì thú vị…
“Lên Huế” trở thành động lực cho những đứa trẻ con ở bên chân phá phấn đấu, nỗ lực từng ngày để được lên phố. Rời làng lên phố để tìm con chữ và khát vọng làm chủ “thế giới” phồn hoa, lộng lẫy, mà một thời gian dài chỉ có thể tưởng tượng mà thôi.
3. Thời gian này, qua bến đò chợ Đông Ba, bến đò cầu Đen (cầu Đông Ba) nằm phía cuối đường Mai Thúc Loan giao nhau với đường Huỳnh Thúc Kháng thật vắng lặng. Ngày trước tấp nập đến chừng nào thì nay yên ắng đến nao lòng. Tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng sầm uất một thời với những cửa hàng vật liệu xây dựng, nông, ngư cụ, các phòng khám bệnh… nay cũng mất đi một nguồn khách lớn vùng phá Tam Giang khi đò dọc không còn chạy qua mỗi ngày.
Những chuyến đò dọc là miền ký ức đẹp vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Đôi khi là sự tiếc nuối về một hình thái vận chuyển đặc trưng, độc đáo trên đầm phá Tam Giang không còn nữa. Với nhiều người, đôi khi đó là sự tiếc nuối vì thèm cái cảm giác được lên đò và “đi Huế” chơi như ngày trước.
Khi du lịch ngày càng phát triển, tour du lịch đi đò dọc để khám phá Tam Giang diệu kỳ là rất khả thi. Không dừng lại đi đò mà có thể ngủ đò, dừng chân, hòa vào đời sống bản địa hai bên bờ khi đò đi qua. Với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ nguồn sản vật của Tam Giang, rất kỳ vọng vào sự hồi sinh này.
Bài, ảnh: Quang Sang