Miếng trầu của mẹ tôi…

Và, đó là miếng trầu đầu đời và trở thành cái nghiệp ăn trầu, bám riết cả cuộc đời của mẹ. Bây giờ mẹ tôi đã ngoài tám mươi, răng rụng vài ba chiếc nhưng với miếng trầu không thể nào bỏ được, người nói: Tao bỏ trầu là sắp chết.

Chẳng biết ai là tác giả câu chuyện cổ tích Trầu Cau lâm ly và nhân hậu đến thế! Ba con người, ba số phận trời đất díu họ vào nhau mà cứ xé rời nhau ra, đến nỗi đều phải chết, chết thanh cao, khiết nhã. Đến nỗi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho vào khung nhạc của mình những ký âm, khi xướng lên thấy mẩn mê lòng trong nhạc phẩm Trầu Cau. Nếu quả là chuyện Trầu Cau như thế, thì tục ăn trầu phải có từ thời Hùng Vương?

Nói ăn trầu là nói gọn, vắn tắt, thực ra người ta nhai từng miếng, nuốt lấy nước, nhả bã . Một miếng trầu thông thường gồm một mảnh lá trầu không , một miếng cau, một miếng vỏ chay, một tí vôi. Nếu nghiện trầu thuốc thì còn thêm dăm sợi thuốc lào nữa. Vậy là ít nhất cũng có 4 món và nhiều thì 5 món mới thành miếng trầu. Nhưng trong các món kể trên, mẹ tôi bảo rằng quan trọng nhất vẫn là trầu và cau.

Lá trầu có hai giống, trầu mỡ và trầu quế. Kể cả những khi mất mùa do thời khí thì mẹ tôi vẫn tìm được trầu quế để dành. Cũng chẳng biết vì đâu trầu quế thường phải trồng trên đất trồng gừng mới cho loại lá trầu thơm cay. Tuy lá nhỏ, nhưng dày, màu hơi ánh vàng, có khi mặt trên lá màu xanh đậm. Còn trầu mỡ, lá to, mỏng, xanh rớt. Vào nhà ai thấy trầu leo lên giàn, bò bám vào tường nhà như thể con thạch sùng leo tường thì đấy là trầu mỡ, dễ trồng.

Với cau, mẹ kể có nhiều loại cau, như: tứ thời, cau dừa nhưng quý và ngon nhất vẫn là cau sung vùng Thanh Hà xứ Đông. Ấy là những quả cau bánh tẻ, không già, không non, bổ ra nửa màu nửa hạt là tốt nhất. Khi hạt cau dẻo, không quắt đanh lại và cũng không khô, hạt đỏ thẫm còn dính với màu gọi là cau đậu. Được miếng cau đậu, có bà quý hơn cả tấm bánh.

Quả thực có người nhai miếng trầu vừa độ, nên hai hàm răng kín đáo dịu dàng, có thể chuyện trò thoải mái. Sự hòa hợp vị cay của trầu, hạt cau tươi ngọt, vôi nồng, vị chát bởi vỏ rễ… đã làm nên chất say, ấm áp và tạo thành màu đỏ thắm má môi, thành lúng liếng ngất ngây đôi mắt… Nhai miếng quá to, quai hàm bạnh ra thật là vô duyên phàm tục.

Để có một miếng trầu còn có những đồ thức kèm theo. Đó là cơi trầu, âu trầu, bình vôi, chìa vôi, ống vôi chạm bạc. Nhà sang trọng còn có tráp trầu, khay trầu sơn mài khảm trai. Các bà các chị còn có khăn túi đựng trầu. Trong khi ăn cần nhả bã, lại thêm ống nhổ bằng đồng thau đựng quết trầu. Các cụ răng yếu còn phải mang theo cối giã trầu. Cối nhỏ được trạm trổ tinh vi. Chầy có khía răng nhọn, khi giã nghiền khiến cho trầu, vỏ nhanh dập. Người hay ăn trầu lại nhuộm răng đen hạt na. Mẹ tôi bảo đấy cũng là một cách làm chặt chân răng, chống sâu răng.

Thời bây giờ còn rất ít người ăn trầu, nhưng trầu cau vẫn còn. Có người trồng làm cảnh, có cơ quan trồng cho đẹp môi trường và giữ gìn một nét văn hóa dân tộc.

Khúc Hà Linh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …