Lương tối thiểu vùng tăng: Công nhân vừa mừng, vừa lo

Mức lương tối thiểu vùng tăng, công nhân lao động vừa mừng, vừa lo

Vui và lo

Chị Trần Kim Liên, công nhân tại Khu công nghiệp Phong Điền có chồng đi phụ thợ hồ, bố mẹ đau ốm, con đang tuổi đi học. Chị và chồng xoay xở lo cho gia đình với tổng thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Khi nghe tin được tăng lương tối thiểu vùng, chị vừa mừng vừa lo: “Mỗi tháng tôi nhận được 6 triệu đồng tiền lương. Từ tháng này, lương tăng thêm được hơn 200 nghìn/tháng, tôi cũng cảm thấy vui vì có thêm khoản để lo cho gia đình, nhưng cũng lo vì đồng tiền trượt giá”.

Dạo này xăng tăng giá, chị Liên chọn xe buýt đi làm để tiết kiệm tiền xăng. Mỗi tuần chị cũng chỉ đi chợ một lần tại chợ đầu mối, mua đủ thức ăn cho 7 ngày. Tất cả để tiết kiệm ít tiền mua sách cho con: “Cháu năm nay vào lớp 10, tôi nghe bảo học bộ sách giáo khoa mới, giá đắt hơn, nên đành tiết kiệm chút ít để lo cho con”, chị Liên bộc bạch.

Cùng nỗi niềm, anh Hà Công Bằng, công nhân Công ty gạch men Vittor, Phú Lộc thu nhập mỗi tháng tiền lương từ 4 đến 5 triệu đồng để lo cho cuộc sống của cả gia đình 4 người gồm bố, vợ, con. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua gia đình anh hết sức khó khăn và vất vả, nhất là trong bối cảnh hiện nay giá thị trường tất cả đều tăng vọt. Nhờ có đàn gà chừng 20 con trong mảnh vườn nhỏ được quây kỹ càng tại vườn nhà, thu nhập của gia đình anh cũng thêm đồng ra đồng vào. “Dạo này xăng tăng giá, giá cả nhu yếu phẩm cũng tăng lên nên tôi đành chịu khó đăng ký làm tăng ca để có thêm đồng ra đồng vào. Lúc biết sắp được tăng lương tối thiểu vùng, tôi cũng mừng lắm, vì như thế là có được thêm một khoản nho nhỏ để chăm sóc cho gia đình”, anh Bằng chia sẻ.

Có thể nói, mức lương tối thiểu tăng 6% là tin vui đối với những anh chị công nhân lao động. Thế nhưng, giá cả tăng nhiều hơn mức tăng lương khiến công nhân vừa mừng vừa lo.

Cần sự hỗ trợ của các cấp công đoàn

Nắm bắt tình hình đời sống của CNLĐ, đặc biệt là khi mùa tựu trường sắp đến, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp CĐ tiếp tục chương trình “Cùng em đến trường”, nhằm hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập cho con em CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Bà Hồ Thị Đoan Trang, Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết: “Bên cạnh việc trao phần thưởng cho con CNLĐ vượt khó, học giỏi, LĐLĐ thành phố vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, đoàn viên CĐ để tặng sách vở cho con CNLĐ, chia sẻ những khó khăn của NLĐ khi giá cả ngày càng tăng cao”.

Ông Hoàng Trọng Lam, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Giám đốc Quỹ Trợ vốn CNLĐ nghèo cho biết: Quỹ tiếp tục triển khai cho CNLĐ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, với mức 20 triệu đồng/trường hợp. Chúng tôi hy vọng với nguồn vốn vay này, CNLĐ có thêm điều kiện chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh nhỏ, tạo thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn.

Chợ chiều, những CNLĐ Khu công nghiệp Hương Sơ vội vã mua những thức ăn cho buổi cơm tối, chị Nguyễn Hoàng Oanh, một công nhân Công ty Da giày mong muốn: Công đoàn nên duy trì các “Phiên chợ Công đoàn”, ở đó bán hàng giảm giá theo chương trình phúc lợi Công đoàn, CNLĐ sẽ bớt khó khăn khi lương tăng không theo kịp giá cả thị trường.

Bài ảnh: ĐĂNG TRÌNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …