Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo

A Lưới là một huyện nghèo của Thừa Thiên Huế với 18 xã, thị trấn nhưng có đến 12 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, với 78% người dân là đồng bào các DTTS. Với nguồn vốn TDCS ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; nhất là đồng bào DTTS. Xã A Ngo là một ví dụ.

Theo ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo, thành công của TDCS cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại xã A Ngo chính là khơi gợi được ý thức tự lực tự cường, thúc đẩy người dân phát huy được nội lực trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn đã tự lực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất. Từ đó, giảm chênh lệnh giữa vùng đồng bào DTTS với các vùng khác. Đặc biệt hơn là đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, đồng bào DTTS tin tưởng hơn vào chính sách của Đảng, Nhà nước góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Bà Trần Thị Đơn, thôn Diên Mai, xã A Ngo được xem như một điển hình. Khi từ một hộ nghèo, tưởng chừng khó có thể thoát nghèo, nhưng với sự đồng hành của TDCS, sự sát cánh của các hội đoàn thể đã tạo nên bước chuyển mới cho gia đình.

Bà Đơn chia sẻ, muốn đầu tư phát triển kinh tế điều quan trọng nhất là vốn, mà nhìn vào căn nhà dột nát (như lúc mới vay vốn) chẳng ai dám cho mình vay mượn. Cho đến khi tiếp cận được nguồn vốn TDCS từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), gia đình mới đầu tư phát triển chăn nuôi, mở rộng diện tích rừng. Nhờ đó, từ một hộ 3 không (không nhà cửa an toàn, không thu nhập, không việc làm) đến nay gia đình đã trở thành gia đình 3 có (có nhà cửa khang trang, có thu nhập ổn định, con cái được học hành).

Theo bà Đơn, nếu không có sự đồng hành cởi bỏ tư tưởng ngại đầu tư, ngại phát triển của tổ tiết kiệm và vay vốn; sự đồng hành hỗ trợ vốn vay của NHCSXH không biết bao giờ kinh tế gia đình mới “khởi sắc” như hôm nay.

Theo ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH A Lưới, quá trình hoạt động, Phòng giao dịch luôn bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH, định hướng phát triển KT-XH của địa phương để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Từ đó, giúp người nghèo thoát nghèo nhanh và tiếp thêm sức để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về GNBV, xây dựng nông thôn mới.

Trong hơn 20 năm qua, nguồn vốn TDCS đã trao chiếc “cần câu” để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt các hộ đồng bào DTTS nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu là cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo với tổng dư nợ 7,4 tỷ đồng; đến nay, Phòng giao dịch đã triển khai thực hiện 15 chương trình TDCS với tổng dư nợ hơn 426 tỷ đồng. Tổng doanh số cho vay đạt hơn 1.145 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cho vay 57 tỷ đồng.

Theo đó, Phòng giao dịch đã đầu tư cho 3.330 hộ DTTS vay vốn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các chương trình TDCS đã góp phần GNBV, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng DTTS và miền núi với các vùng khác trên địa bàn tỉnh, gần 2.325 hộ nghèo được vay vốn xây dựng và cải tạo nhà ở, nâng cao mức sống và sinh hoạt của người dân.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …