Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm, động viên chiến sĩ lái xe trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: TL
Sáng tạo tháo gỡ khó khăn
Theo “Lịch sử Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh”, đầu năm 1967, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được bổ nhiệm Tư lệnh Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn. Đây là thời kỳ bom đạn Mỹ đổ xuống Trường Sơn ác liệt nhất. Tình hình cách mạng miền Nam có những chuyển biến quan trọng, đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn và cấp bách cho chiến trường. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất giải tán các tuyến, thành lập các binh trạm nhằm tăng cường sự chỉ huy trực tiếp của bộ tư lệnh, đồng thời đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới.
Lúc đầu, để bảo toàn lực lượng, bộ đội ở Trường Sơn chủ yếu là “phòng tránh”. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tướng Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp nghiên cứu, khảo sát và nhận thấy, hoạt động như vậy không ổn. Ông đã yêu cầu tất cả các binh trạm, các chỉ huy, đơn vị phải trực tiếp bám đường, bám trận địa, trực tiếp ngăn chặn sự phá hoại của quân thù với quan điểm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Tướng Nguyên cũng là người chỉ huy rất sáng tạo để tháo gỡ những khó khăn trên chiến trường. Là tư lệnh nhưng ông luôn đi đầu, sát chiến trường, sát trận địa, sát với anh em chiến sĩ để tìm hiểu tình hình, từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả cho chiến trường.
Trong giai đoạn 1969 – 1972, để kịp thời đối phó với âm mưu, thủ đoạn đánh phá điên cuồng của Mỹ, Đoàn 559 đã xây dựng được 5 trục vượt cửa khẩu và 3 hệ thống trục dọc. Đặc biệt, từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972, Đoàn 559 tập trung mở đường “kín” bảo đảm cho xe chạy ban ngày. Đây là một quyết định táo bạo, quyết đoán và sáng tạo độc đáo của Bộ tư lệnh Trường Sơn mà đứng đầu là vị Tư lệnh để chống chiến tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa sự đánh phá của địch.
Bộ đội Trường Sơn anh hùng
Trong giai đoạn làm Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và những chiến sĩ Trường Sơn đã thiết lập được hệ thống đường ống dẫn xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam, mở đường giao liên hành quân bộ và tải thương, lắp đặt được mạng thông tin đường dây tải ba… Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Macnamara nói: “Mọi người vẫn thấy một khối lượng lớn người và của vẫn tuôn chảy từ miền Bắc vào miền Nam, thế nhưng không thể làm thế nào ngăn chặn được nó”.
Tính ra, trong suốt 16 năm (1959-1975), Bộ đội Trường Sơn cùng quân, dân các chiến trường từng bước xây dựng Trường Sơn thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc xuyên qua lãnh thổ 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào với 5 trục đường dọc, 21 trục đường ngang; 20.000km đường ô tô; 3.000km đường gùi thồ hàng bằng xe đạp, voi, ngựa và người; 500km đường sông; 1.445km đường ống xăng dầu. Trong suốt cuộc chiến tranh, gần 4 triệu tấn bom đạn và các loại mìn được chế tạo tinh xảo ném xuống Trường Sơn nhằm phá đường, tiêu diệt các đoàn xe, hủy diệt mọi sự sống trên tuyến chi viện chiến lược.
Khi vào Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm, việc chi viện vào chiến trường miền Nam còn rất khó khăn. Thế nhưng, chỉ 8 năm sau, đến đầu 1975, tướng Nguyên đã nói với Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh: “Cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ”. Lúc này, chỉ riêng vận tải cơ giới, Trường Sơn có 2 sư đoàn với hơn 10.000 xe. Bộ đội Trường Sơn đã góp phần to lớn bắn rơi trên 2.000 máy bay Mỹ, trong tổng số trên 4.000 máy bay quân và dân cả nước bắn rơi, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh. Cuộc chiến tranh ngăn chặn bằng các loại vũ khí điện tử hiện đại nhất của Mỹ đã bị thất bại trước ý chí chiến đấu kiên cường, sáng tạo của bộ đội Trường Sơn.
Vỹ thanh
Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và Bình Phước. Tôi đã nhiều lần có dịp đặt chân lên đường Trường Sơn huyền thoại, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong hệ thống Di tích Quốc gia đặc biệt được xếp hạng gồm: Ngã ba đầu đường 72 – Đường 14B và địa điểm Bốt Đỏ (thuộc các xã Phú Vinh, Hồng Thượng và Sơn Thủy, huyện A Lưới); Ngã ba đầu đường 73 – Đường 14B (thuộc xã Hương Lâm, huyện A Lưới)… Một cảm nhận đầy tự hào và sự tri ân sâu sắc khi được chứng kiến những dấu tích lịch sử còn lại của một thời oanh liệt.
Tôi cũng đã có dịp tham dự lễ công bố quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh và bế mạc Liên hoan tuyên truyền lưu động với chủ đề “Trường Sơn – Con đường huyền thoại” diễn ra vào tối 15/5 /2019, tại quảng trường huyện A Lưới, do Bộ VH – TT&DL cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Tôi nhớ trong cái đêm có ý nghĩa thiêng liêng đó, nhiều người tham dự đã nhắc đến đến Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên như một chứng nhân của lịch sử. Càng đặc biệt xúc động hơn khi được biết vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn huyền thoại trong thời gian lâu nhất và là một trong hai vị tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước ta phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng, ra đi cách đó vừa tròn 1 tháng.
Đường Trường Sơn – Đồng Sỹ Nguyên đã trở thành huyền thoại và nỗi nhớ!
Đình Nam