Động lực của nền tảng số

Văn bản chỉ đạo điều hành được chuyển giao qua văn phòng điện tử. Mọi thủ tục, giấy tờ liên quan đều có thể sử dụng nền tảng này để thực hiện một cách nhanh nhất. Đó là điều mà đơn vị chúng tôi đã thực hiện từ năm 2017 và mọi thứ đều đi và đến nhanh hơn trong giải quyết công việc chung.

Nhưng có lẽ, với đặc thù riêng của công việc ở một cơ quan truyền thông, việc sử dụng nền tảng số trong quy trình làm việc đã mang đến rất nhiều tiện ích. Nhanh là tiêu chí đầu tiên mà chúng tôi đã đề cập. Liên thông là tiện ích thứ 2 khi mọi người có thể viết/đọc và cùng nhau thao tác nghiệp vụ trên nền tảng ấy theo đúng quy trình đã được phân cấp. Anh chị em đi lấy thông tin và thực hiện nghiệp vụ lại có thể đưa chuyển thông tin lên nền tảng ấy từ bất cứ không gian nào, miễn là có 4G hay wifi. Vấn đề còn ở chỗ, ai, như thế nào… đều để lại dấu ấn hoạt động của mình. Đó cũng là cách để mọi người có ý thức làm việc có trách nhiệm hơn và đương nhiên trên nền tảng này, văn phòng phẩm, kể cả nhân lực lao động, điện, nước… đều có thể được tiết kiệm ở mức tốt nhất có thể. Bên cạnh sự công khai và minh bạch, do mọi thao tác cơ bản được thực hiện trên nền tảng số nên mọi nguồn thu nhập của anh chị em cũng được rà soát và chi trả nhanh hơn. Thế nên cứ vào khoảng giữa tháng, cơ quan gần như không còn gì phải chi trả cho người lao động nữa.

Tăng trưởng thương mại điện tử; thúc đẩy người dùng sử dụng internet và phát triển hệ thống hàng hóa và dịch vụ kinh tế số là những ưu điểm nổi bật mà bất cứ một quốc gia tiên tiến và hướng đến sự phát triển chú trọng. Đó cũng là động lực đang được Chính phủ hướng tới để phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Với chiến lược và sự chú trọng đầu tư, tại khu vực ASEAN, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá.

Mặc dù không phải tất cả mọi người dân đều tiếp cận với internet, nhưng với tỷ lệ trên 70%, việc ứng dụng các gói dịch vụ thông qua điện thoại cá nhân hay các thiết bị điện tử khác dần đã trở thành phổ biến. Do COVID-19, để hạn chế lây lan, tỷ lệ người dùng các thiết bị điện tử để thực hiện rất nhiều dịch vụ khác, từ nghe, xem, đọc, chơi game, đặt hàng, thanh toán… cũng tăng ở một tỷ lệ đáng kể. Rõ ràng, đây là cơ hội để kinh tế số phát triển với sự vào cuộc không chỉ của các nhà cung cấp nội dung giải trí, mà còn thúc đẩy kinh doanh và phát triển sản phẩm trên các ứng dụng của nền tảng số.

Hiệu quả mà chúng tôi đề cập ở phần trên mới chỉ ở một đơn vị nhỏ. Trên bình diện của một quốc gia, đó phải là một hệ số lũy tiến của cấp số nhân và sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực trong sự vận động của xã hội số.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chương trình hành động này là hoàn chỉnh mô hình chính quyền số đến năm 2025, hình thành xã hội số và phát triển kinh tế số làm động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Nguyễn An Lê

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …