Trẻ được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin. Ảnh: MC
Dù những ý kiến bày tỏ chưa đại diện cho xu hướng nào – ủng hộ hay không ủng hộ. Nhưng thấy những người ủng hộ dựa trên hai khía cạnh: thứ nhất là giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Thứ hai là để người dân có quyền lựa chọn – tiêm ở đâu, thời điểm nào, loại vắc-xin gì. Xã hội hóa được dư luận tham gia nói trên có lẽ được hiểu theo hai nghĩa. Về mặt kinh tế thì huy động được nhiều nguồn lực (mà cụ thể ở đây là người dân tự bỏ tiền ra để tiêm). Thứ đến là huy động thêm hệ thống ý tế tư nhân thực hiện việc này!?
Việc tiêm vắc-xin cho người dân, Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng và đi được một đoạn đường dài với nhiều thành quả.
Theo Bộ Y tế, từ tháng 7/2021 Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc-xin trên diện rộng và dự kiến đến hết năm nay người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi.
Nguồn vắc-xin này ở đâu ra? Ngân sách trợ cấp là một phần. Một phần không nhỏ là từ tài trợ của các nước. Ngay như Campuchia, một nước chưa giàu có cũng tài trợ cho chúng ta. Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 của Việt Nam cũng nhận được tài trợ của các doanh nghiệp và cá nhân rất lớn. Theo thông tin được công bố, tính đến 17h ngày 23/12/2021, quỹ này nhận được hơn 8.800 tỷ đồng (làm tròn số). Thời điểm này, Bộ Y tế cũng cho biết đã chuẩn bị đủ lượng vắc-xin mũi 3 cho khoảng 70 triệu người từ 12 tuổi trở lên.
Học sinh từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc-xin mũi 2. Ảnh: Đồng Văn
Qua những thông tin nêu trên, chúng ta thấy Chính phủ Việt Nam đã chủ động nguồn lực và tìm đủ nguồn vắc-xin để tiêm cho người dân. Như vậy, câu hỏi nên xã hội hóa tiêm vắc-xin mũi 3 có thể nói là không cần thiết vào thời điểm này! Vì mấy lẽ sau:
Như trên đã nói, việc xã hội hóa vắc-xin Việt Nam chúng ta đã thực hiện từ lâu chứ không phải đến bây giờ. Ngay như trong nước, tính đến ngày 23/12 có hơn 55.800 lượt (làm tròn số) tổ chức và cá nhân ủng hộ. Như vậy, ý kiến kêu gọi xã hội hóa nói trên phải chăng là chỉ ở khía cạnh kêu gọi hệ thống y tế tư nhân tham gia?
Thứ hai: chúng ta đã đi được một đoạn đường dài về tiêm ngừa vắc-xin và gặt hái được nhiều thành công: tỷ lệ người dân được tiêm chủng cao; hệ thống tiêm chủng được thiết kế vận hành suôn sẻ; quỹ vắc-xin chủ động. Đây là một thành tích không dễ gì đạt được trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nền kinh tế gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh chưa phải đã chấm dứt mà còn diễn biến hết sức phức tạp. Tình hình khẩn cấp thì chúng ta phải tập trung giải quyết theo một giải pháp khẩn cấp, tập trung. Mà giải pháp này đã chứng tỏ hiệu quả trong thời gian qua thì rất ít có lý để đặt vấn đề “ xã hội hóa”, khi nó có khả năng phát sinh những vấn đề chưa hình dung được!?
Một vấn đề khác còn quan trọng hơn rất nhiều nhưng ít thấy đề cập trong việc nêu vấn đề xã hội hóa vắc-xin mũi 3, đó là đặt trong hoàn cảnh kinh tế. Hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam hiện nay là gì? Cần phục hồi và phát triển. Nhu cầu này có thể nói là còn bị thúc đẩy mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì. Không phục hồi và phát triển thì bản thân nền kinh tế đã khó khăn. Phục hồi chậm có khi còn gặp khó khăn hơn: đời sống dân sinh, cạnh tranh, thu hút đầu tư… Điều kiện gì thì điều kiện, muốn mở cửa kinh tế thì phải cần giải pháp vắc-xin đồng bộ cùng với những giải pháp phòng, chống dịch khác. Có ai huy động được nguồn lực nhiều nhất, làm tốt nhất, tập trung nhất, nhanh nhất, nhất quán nhất… như là Nhà nước?
Có lẽ chúng ta cũng cần giải pháp “xã hội hóa”, theo cái nghĩa ai có điều kiện phải bỏ tiền ra tiêm vắc-xin chứ không thể Nhà nước bao cấp mãi. Nhưng không phải thời điểm cần sự khẩn trương như lúc này!?
Chỉ xét ở một mảng kinh tế thôi chúng ta sẽ thấy tính chất quan trọng của sự hối thúc phải hết sức khẩn trương. Ví dụ như du lịch. Con số thống kê cho biết, ngành du lịch cả nước đóng góp khoảng chừng 9,2% GDP (trước thời điểm dịch), giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Chỉ cần sự phục hồi một phần nào đó của mảng kinh tế này thôi chúng ta đã thấy cái lợi thu được gấp nhiều lần số với số tiền bỏ ra mua vắc-xin để “phủ” cho toàn dân.
Nguyên Lê