Cơ hội cho đàn voi

Đến Buôn Đôn, ai cũng đều không muốn bỏ qua cơ hội được cưỡi voi

Đến Tây Nguyên đã nhiều lần, nhưng mãi cách đây 5 năm, chính xác là vào tháng 10/2017, tôi mới có dịp đặt chân tới Buôn Đôn. Rồi cũng như hầu hết những ai đến đây, ngoài thăm thú, ăn uống, mua sắm một ít hàng lưu niệm, thì không thể không trải nghiệm cái thú cưỡi voi. “Chưa cưỡi voi xem như chưa tới Buôn Đôn”- câu slogan cửa miệng đầy khiêu khích ấy đánh vào lòng tự ái của mọi người, và tôi cũng không ngoại lệ. Ừ, thì cưỡi…

Muốn cưỡi thì phải mua vé. Giá vé lúc ấy có 2 loại cho 2 lộ trình. Lộ trình 400m thì 200.000đ/voi/ 2 khách + trẻ em dưới 6 tuổi; lộ trình 800m: 400.000đ/voi/2 khách+ trẻ em dưới 6 tuổi. Mua vé xong thì di chuyển đến bến chờ. Thời điểm ấy có cả thảy 3 chú voi làm dịch vụ, trong lúc khách mua vé thì đông nên thời gian chờ cũng hơi lâu. Khách đông nên thời gian nghỉ của voi hầu như không có, cứ đưa đợt này về là lại đón đợt khách khác. Nhìn những chú voi to xác, nhưng hiền lành và cam chịu, thấy rất thương. Nhưng thương thì thương, đã lỡ “dấn thân” mua vé rồi, lại còn bị “kích động” chưa cưỡi voi xem như chưa tới Buôn Đôn, cho nên đành vừa leo lên bành voi vừa bảo voi thông cảm vậy.

Vé cưỡi voi có 2 lộ trình: 400 và 800m

Lộ trình phục vụ của voi chủ yếu là lội theo một con suối, rộng nhưng khá cạn. Con suối này như là một chi lưu của sông Serepok- con sông nổi tiếng của Tây Nguyên, quanh năm ầm ào và cuồn cuộn nước. Ngồi trên lưng voi rồi mới để ý, không hiểu sao mà đuôi của chú voi nào cũng gần như trụi lũi, rất ít lông, khiến nó ngoe nguẩy cứng như một chiếc que trông rất thảm. Một anh bạn là dân bản địa sau này cho biết, sở dĩ con voi nào cũng bị trụi hết lông đuôi là do bị …nhổ trộm. Không biết bắt nguồn từ đâu mà người ta tin rằng, nếu đeo một chiếc nhẫn lông đuôi voi (nghĩa là chế tác chiếc nhẫn sao cho mặt nhẫn được lồng một hoặc một số sợi lông đuôi voi bao quanh) thì may mắn, sức khỏe, tình yêu và nhiều thứ tốt đẹp khác sẽ đến với người đeo nó; ngược lại bao nhiêu thứ xui rủi, xấu xa, trì trệ…xe bị xua đi. Thế mới…chết voi! Nhưng tìm đuôi voi ở đâu, Buôn Đôn hẳn là địa chỉ được nhắm trước hết. Nhưng vặt trộm thì chắc là khó khăn phức tạp, vậy thì có thể nháy nhó với bác nài? Có thể lắm. Sẽ có bác hám lợi, táng tận lương tâm nên khi chở khách đến một chỗ khuất vắng là alê: Vặt! Khách được thỏa mãn mà bác nài thì có thêm chút chi tiêu. Chả trách, đuôi voi trụi lông là vì thế!…

Nhẫn lông đuôi voi được quảng cáo xua đi xui rủi, mang lại may mắn…

Voi lội một chốc đã giáp vòng. Chưa kịp rời bành đã thấy có nhóm khác chờ thế chỗ. Và chú voi tội nghiệp lại phải quay đầu nhẫn nại cõng khách rời đi để nhóm khách nối tiếp khỏi phải chờ lâu. Cái quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại, nhìn lượng khách đang háo hức ngồi chờ đến lượt, bỗng thấy thương và ái ngại vô ngần cho cái phận voi…

Khách này chưa kịp rời bành thì đã có lượt khác chờ sẵn

Từ bận được cưỡi lưng voi, thấy mình như người có lỗi. Và dù chẳng ai bắt, tôi vẫn thường theo dõi các thông tin liên quan loài thú to xác nhưng thông minh, hiền lành và thân thiện này. Những khi nghe voi rừng- vốn dĩ còn rất hiếm hoi- “nổi điên” kéo về quấy rầy con người ở nơi này nơi khác, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là bởi ít ra vẫn đang tồn tại một vài đàn voi trong môi trường tự nhiên, còn lo là lo nhỡ có nhóm người nào đó “nổi điên” lại thì voi cũng… chết. Bởi to thì to, thông minh thì thông minh, nhưng làm sao voi có thể đấu lại với người? Rất may là chính quyền và các cơ quan chức năng đều nhanh chóng vào cuộc xử lý, và bao giờ sự “bênh vực” cũng được dành cho voi.

Riêng với đàn voi nhà, sự sản sinh thì vô cùng hiếm nghe mà sự hao hụt, bệnh tật, thậm chí cả “bạo hành” đối với voi thì không ít. Con số thống kê được công bố cho thấy, trong vòng 12 năm, từ 2009 đến 2021, gần 40% đàn voi nhà ở Đắk Lắk đã chết vì nhiều lý do (22/59 con), hiện đàn voi ở tỉnh này chỉ còn 37 cá thể. Cứ đà ấy, hình ảnh loài voi không khéo rồi sẽ biến mất trong một tương lai không xa.

…và tiếp tục vẫn còn nhiều lượt khác nữa đang chờ đến phiên

Cách đây ít lâu, một đoạn phim tài liệu quay về cảnh săn bắt voi ở Đông Dương ở đầu thế kỷ trước (mà người ta tin rằng cảnh ấy được quay tại Tây Nguyên Việt Nam) bỗng được ai đó chuyển lên facebook, thấy các dũng sĩ săn voi đã lùa bắt một lúc cả đàn voi rừng dễ đến mấy trăm con mà hào sảng. Mới chừng 1 thế kỷ, cảnh ấy đã trở thành dĩ vãng và chắc chắn không bao giờ có thể lặp lại. Tốc độ như thế mới thấy nỗi lo cho tương lai của loài voi đất Việt là có cơ sở.

Vậy nên, dạo đầu năm nghe tin chính quyền tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn của tỉnh này phối hợp với các ngành, đơn vị hữu quan phải khẩn trương hoàn thành phương án mô hình sản phẩm “Du lịch thân thiện với voi” ngay trong năm 2022; thống kê số lượng voi nhà và hộ có voi để báo cáo, đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí cho người dân nhằm hạn chế tối đa và hướng tới không tổ chức phục vụ du khách dịch vụ cưỡi voi … Chuyện cách mình cả ngàn cây số, nhưng không hiểu sao tôi vẫn khấp khởi mừng và mong cho động thái này sẽ được hanh thông và nhanh chóng trở thành hiện thực.

Bắt voi chở “quá tải”, dù vé quy định mỗi lượt chỉ 2 người lớn + 1 trẻ em dưới 6 tuổi

Và rồi, niềm mong đã vỡ òa trong vui sướng phấn khích. Đài truyền hình quốc gia và nhiều phương tiện báo chí truyền thông vừa loan tin: UBND tỉnh Đắk Lắk thống nhất chi hơn 55,4 tỉ đồng để chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi, bảo tồn đàn voi nhà. Nguồn kinh phí do Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation – AAF) tài trợ. Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk đang lên kế hoạch triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026. Mục tiêu nhằm chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi, thay bằng mô hình du lịch thân thiện. Đàn voi nhà sẽ được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ. Chủ voi và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập do dừng dịch vụ cưỡi voi. Các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi…Bên cạnh đó là hoạt động giáo dục, phổ biến, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi cho các tầng lớp xã hội, cộng đồng…

Voi sẽ đổi phận khi dự án đi vào thực hiện

Vậy là phận voi, tương lai của loài voi Tây Nguyên đã có cơ hội. Chỉ mong sau năm 2026, khi thời gian thực hiện dự án kết thúc, thì cũng là lúc mà mô hình du lịch thân thiện với voi sẽ “đứng được” bền vững. Song hành với đó, ý thức bảo vệ, bảo tồn loài voi sẽ được tỏa lan, để người dân, du khách và các doanh nghiệp du lịch sẵn sàng nói KHÔNG một cách mạnh mẽ với dịch vụ cưỡi voi và các sản phẩm chế tác từ voi.

HIỀN AN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …