Cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật

Anh Nguyễn Chí Thanh bận rộn hơn với công việc chăn nuôi, vườn tược

Trang đời mới

Anh Nguyễn Chí Thanh ở xã Phong Sơn, Phong Điền bị tai nạn lao động năm 2008 dẫn đến tổn thương cột sống và liệt hai chi dưới. Không đi lại được, anh buồn chán, tự ti. Đã có lúc anh nghĩ quẩn vì mối lo trở thành gánh nặng cho gia đình.

Năm 2017, dự án CBM giúp anh trang bị các vật dụng sinh hoạt, đi lại, tập luyện phục hồi chức năng, tham gia các nhóm cùng cảnh ngộ. Từ người tự ti, mặc cảm anh mạnh dạn gặp gỡ bạn bè, hòa nhập cộng đồng với cái nhìn rộng mở. Anh được hỗ trợ xe ba bánh điện phục vụ di chuyển, bán vé số, hỗ trợ mẹ bán rau cá ở chợ. Bạn bè còn chung tay giới thiệu mối hàng giúp anh bán hoa, cây cảnh kiếm thêm thu nhập mỗi mùa tết. Từ câu chuyện bản thân, anh Thanh lan tỏa tinh thần vượt lên số phận, sống vui khỏe có ích cho những người cùng cảnh ngộ. Anh Thanh kể: “Không có các anh chị y tế về tư vấn, chăm sóc; không có dự án hỗ trợ mình sẽ không có được như ngày hôm nay. Mình còn đôi mắt, còn đôi tay nên phải sống tích cực, nghĩ tích cực”. Giờ đây, anh Thanh còn mở rộng nuôi gà, đào ao thả cá, luôn tay luôn chân với công việc vườn tược mỗi ngày.

Bị tai nạn lao động và phải chăm lo cho 3 con nhỏ, cuộc sống của anh Võ Đ.T. ở Nam Đông gặp không ít áp lực. Năm 2021, anh được khám sàng lọc và nhận hỗ trợ từ dự án CBM. Được nhiều cá nhân, tổ chức tặng quà động viên, anh T mày mò tự học đúc chậu cây cảnh. Sản phẩm của anh được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn. Với nghề mới, anh kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn, học vượt lên hoàn cảnh.

Tương tự, từ không thể đi lại, anh Kê Thế Đoàn ở A Ngo (A Lưới) đã tự học văn hóa và học nghề làm chổi đót. May mắn tiếp cận Chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng của CBM, anh được hỗ trợ 22 triệu mua trang, thiết bị, phát triển nghề chổi đót. Với kỹ năng 17 năm làm nghề, anh hướng dẫn cho bà con, đồng thời động viên chia sẻ thêm cho họ về mặt tâm lý. Câu chuyện của anh trở thành tấm gương cho người khuyết tật (NKT). Anh Đoàn cho hay, ngoài xe lắc, nạng, hệ thống tay vịn giúp sinh hoạt thuận lợi, CBM giúp anh và một số thành viên hợp tác xã phát triển sinh kế. Điều này đã tạo ra bước ngoặt lớn cho anh và nhiều người vươn lên.

Được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn

Chỉ riêng chương trình PHCN dựa vào cộng đồng, mỗi năm hướng dẫn tập luyện cho 19.000 NKT; hỗ trợ vay vốn không tính lãi suất; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; hỗ trợ sáng kiến; khám sàng lọc. Đến nay, 141 trạm y tế đều có thư ký chương trình phục hồi chức năng. 1.800 y tế thôn bản được tập huấn phục hồi chức năng…

Theo BS. Lê Quang Thiết, cán bộ Khoa Phục hồi chức năng (PHCN) Trung tâm Y tế huyện A Lưới, vùng miền núi này có gần 2.000 người khuyết tật trong tổng số hơn 56.000 dân. Thông qua dự án, CBM tổ chức các đợt tập huấn cán bộ, đặc biệt là cán bộ các trạm y tế hướng dẫn phục hồi chức năng cho gia đình người khuyết tật. Trong những hoạt động đã triển khai, hỗ trợ sinh kế cho NKT sản xuất, chăn nuôi đã giúp một số hộ dân tự tin, xây dựng cuộc sống ổn định. “Mặc dù còn nhiều rào cản nhưng những nhận thức của nhiều người đã đổi thay đáng kể. NTK được quan tâm, chăm sóc tốt hơn”, BS. Thiết nói.

BS. Dương Đức Vũ, thư ký chương trình PHCN tại Trung tâm Y tế Phong Điền cho rằng, từ quy trình đào tạo kỹ năng tiếp cận, kỹ thuật phục hồi chức năng, cán bộ y tế thôn bản đã phát huy hiệu quả việc phát hiện, sàng lọc NKT trong, ngoài địa bàn. Trên cơ sở đó, NKT được kết nối, tham gia các nhóm, đơn vị giáo dục hướng nghiệp giúp họ được học tập nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Trọng Quý đánh giá: “Việc hỗ trợ dụng cụ và hoạt động phục hồi chức năng trợ giúp NKT tạo điều kiện thuận lợi cho họ hòa nhập sớm trong cộng đồng. Qua khảo sát, tỷ lệ hài lòng với những hỗ trợ tiếp cận dịch vụ về dụng cụ trợ giúp, chỉnh hình và chân tay giả (POAD) sau triển khai chiếm tỷ lệ 93,1%, cao hơn trước khi triển khai dự án (87,6%). Kết quả từ sự hài lòng theo từng yếu tố của người khuyết tật với dịch vụ POAD sau triển khai dự án cũng chiếm tỷ lệ cao hơn. CBM giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người khuyết tật trên địa bàn tỉnh”.

Bà Vũ Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện văn phòng CBM tại Việt Nam thông tin, các dịch vụ chăm sóc người khuyết tật được nâng cao về chất và lượng chính là hiệu quả mà dự án mang lại. 20 năm qua, CBM triển khai dịch vụ, hỗ trợ tài chính, phát triển các sáng kiến sinh kế. Đặc biệt sự vào cuộc của các chuyên gia quốc tế và địa phương đã nâng cao chất lượng hoạt động của dự án. Khi kết thúc, dự án sẽ duy trì các hoạt động nhằm giúp người khuyết tật nâng cao cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: LINH TUỆ

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Mới nghĩ thôi đã thấy xa lạ…

Hội lớp 12Đ Quốc Học Huế, NK 1982-1985 đã tổ chức lần đầu sau 25 …